Ảnh chỉ có tính minh họa.
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được thực hiện từ năm 2014 - 2019 trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam với tổng mức đầu tư là 165 triệu USD (tương đương 3.465 tỷ đồng) từ ngân sách nhà nước của Chính phủ Việt Nam và vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.
Tại Quảng Nam, dự án được triển khai tại 15 xã của ba huyện vùng cao là Nam Trà My, Phước Sơn và Nam Giang với tổng số vốn dự kiến khoảng 12,1 triệu USD, trong đó vốn vay 11 triệu USD và vốn đối ứng là 1,1 triệu USD.
Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án từ các hợp phần của dự án được triển khai; phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn bản; phát triển sinh kế bền vững; cơ sở hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực và truyền thông; quản lý dự án.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tuyên truyền, phổ biến cho người dân cũng như các ngành chức năng hiểu rõ mục đích, yêu cầu cũng như ý nghĩa của dự án, đồng thời triển khai thực hiện đúng quy định về đầu tư, xây dựng theo yêu cầu của nhà đầu tư; lựa chọn các hoạt động có khả năng thực hiện ngay để đẩy nhanh việc thực hiện các hợp phần trong dự án... Từ đó, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra, thực hiện đúng mục tiêu của toàn bộ dự án.
Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 7.500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được hưởng lợi từ dự án; tối thiểu 20% số hộ hưởng lợi hài lòng với sự hỗ trợ của dự án; tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng tối thiểu 10%; tăng tối thiểu 20% hộ nghèo được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng; tài sản và công cụ phục vụ sản xuất của các hộ thành viên nhóm sinh kế tăng tối thiểu 20%.