Hơn 20 năm qua, nằm nép mình trong căm hẻm nhỏ tại Q.8, TP.HCM, mái chùa Lâm Quang bình dị không chỉ là nơi sớm hôm kinh kệ của đồng bào Phật tử quanh vùng, mà còn là chốn nương tựa cuối đời của những cụ bà không gia đình, không nhà cửa.
Các cụ về ngôi nhà chung này được quan tâm, chăm sóc chu đáo, nhất là không còn hiu quạnh, cô độc ở tuổi xế chiều.
Thời gian đầu, để có đủ kinh phí cho việc chăm sóc tốt cho các cụ, ni sư Huệ Tuyến và các đệ tử đã làm thêm rất nhiều việc như dệt chiếu, làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có đám tiệc. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ, các ni dừng lại tâm nguyện cao đẹp này.
Thành lập từ năm 1997, mái ấm chùa Lâm Quang hiện đang cưu mang gần 150 người, trong đó săn sóc hơn 120 cụ già yếu, bệnh tật. Mỗi ngày, các sư cô và Phật tử làm công quả cùng lo chăm sóc cho các cụ trong từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh chỗ ở.
Những cụ già ở chùa Lâm Quang, mỗi người là mỗi số phận, mỗi câu chuyện cuộc đời mà có lẽ buồn nhiều hơn vui. Đằng sau mỗi ánh mắt, nụ cười là chất chứa bao tâm sự không biết chia sớt cùng ai, nếu không phải là những vị sư cô đáng kính ở đây.
Dưới bóng bồ đề thanh tịnh, những người áo lam vẫn hết lòng với công tác thiện nguyện, vẫn nhẫn nại chăm lo mỗi ngày cho những phận người không may, bởi "Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật". Còn với các cụ, dẫu không có con cháu bên cạnh, nhưng sự thương yêu, chia sẻ của các sư cô luôn là niềm an ủi và động viên trong những ngày tháng cuối đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!