Cuộc sống lay lắt của bé trai 7 tuổi giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 16/12/2014 07:36 GMT+7

Bà Nhu và bé Ngọc luôn phải sống trong cảnh phập phồng lo lắng mỗi khi anh Trường lên cơn đuổi mẹ, đánh con

Mỗi lần thấy cha có dấu hiệu bất thường, chuẩn bị lên cơn, Ngọc cùng bà nội vội vã tìm đường tháo chạy...

Lọt thỏm giữa núi đồi hùng vĩ thuộc địa bàn thôn Gia Bắc (xã Tân Nghĩa, Di Linh, Lâm Đồng) căn chòi vách gỗ dựng trên nền đất mượn là nơi ở của 3 con người khốn khổ, ở nơi ấy hàng ngày bà Nguyễn Thị Nhu (65 tuổi) vẫn phải vắt kiệt sức để chăm sóc con trai có dấu hiệu bị bệnh tâm thần là Đinh Văn Trường (36 tuổi) và giành giật sự sống, đảm bảo an toàn cho đứa cháu nội Đinh Quang Ngọc (7 tuổi, con anh Trường).

Bà Nhu kể, bé Ngọc sinh năm 2007 nhưng không được sống trong tình yêu thương của bố mẹ như bao đứa trẻ khác. Nỗi bất hạnh càng chồng chất hơn khi 6 tháng sau, mẹ Ngọc bỏ đi biệt tăm, bố Ngọc sau nhiều biến cố đã bị sốc nặng dẫn đến chấn động tâm lý, ảnh hưởng thần kinh nên lúc tỉnh, lúc mê. Tình yêu thương duy nhất lúc này của Ngọc chỉ đến từ bà nội, hai bà cháu không ngày nào rời nhau.

Tưởng rằng những ngày tháng tuổi thơ của Ngọc sẽ được yên ổn, nhưng căn bệnh của cha đã khiến em và bà nội luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Mỗi lần lên lên cơn, anh Trường không còn là chính mình, anh như một người điên, ngây dại đuổi mẹ, đánh con. Dù sau đó, khi đã tỉnh, anh chợt nhận ra hành động vô đạo của mình thì đã muộn, người đàn ông này dằn vặt lương tâm chỉ biết tuyệt thực, nằm một chỗ sám hối.

“Khi lên cơn tôi không biết gì cả, chỉ lúc tỉnh nghe mọi người nói lại là tôi đuổi đánh mẹ, đánh con, tôi ân hận lắm. Là trụ cột của gia đình mà tôi không làm được gì, suốt ngày ăn bám vào mẹ già. Nhiều khi tôi chỉ muốn chết cho đỡ gánh nặng, để hai bà cháu khỏi phải thấp thỏm, lo âu khi bệnh tình của tôi bộc phát”, Anh Trường tâm sự.

Nhìn bề ngoài anh Trường khá khỏe mạnh nhưng người đàn ông này lúc bình thường chỉ biết làm việc như cỗ máy, ai bảo đâu làm đó, không thể tự giác trong công việc thường ngày. Bệnh tình ngày càng có dấu hiệu nặng, tuy nhiên anh Trường chỉ một lần duy nhất được biết đến vài viên thuốc an thần.

Cuộc sống phập phồng, lo lắng với với Ngọc dường như đã thành thói quen, điều bà Nhu cảm thấy thương cháu nhất là sự thiếu thốn tình cảm mẫu tử. Trong tiềm thức của đứa trẻ ấy, hình ảnh của người mẹ chỉ hiện lên qua những trang sách. Dù khốn khó nhưng Ngọc vẫn được bà nội hàng ngày đi bộ vượt hơn 5km đường đồi dốc đưa đến trường. Chiếc cặp cũ kĩ và vài cuốn sách ra ngả màu đối với Ngọc là thứ quý nhất. Mỗi lần dạy cháu học là mỗi lần nước mắt bà Nhu trao ra khóe mắt. Những câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ về mẹ khiến tim bà Nhu quặn thắt.

Trong căn chòi tạm bợ ấy, hàng ngày, Ngọc vẫn phải bữa đói, bữa no. Chuyện ăn khoai, ăn sắn lót dạ cho qua cơn đói có lẽ đã quá quen thuộc với đứa trẻ 7 tuổi này. Ngoài người cha không bình thường và bà nội già yếu, bé Ngọc còn một người bác ruột, tuy nhiên, người bác này cũng chẳng khấm khá gì khi còn nặng gánh mưu sinh lo cho gia đình riêng của mình.

Ước mơ của cậu bé Ngọc chỉ mong sao cha khỏi bệnh để chăm sóc em nhưng ngày còn lại sau này và có được bộ quần áo, cặp sách mới mang đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Tuy nhiên, điều ước ấy của Ngọc có vẻ xa vời khi miếng ăn còn chưa đủ no, manh áo chưa đủ ấm, cuộc sống chạy ăn từng bữa chỉ dựa vào đôi bàn tay già nua, đen sạm của bà Nhu thì việc đưa anh Trường đi khám bệnh, chữa trị tâm thần là hết sức gian nan.

Bà Nguyễn Thị Tứ, Chủ tịch hội Phụ nữ xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình anh Trường chuyển đến địa phương được hơn 1 năm nay, đây là trường hợp đặc biệt khó khăn. “Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy gia cảnh của anh Trường rất khốn khó, mẹ già, con thơ, bản thân anh lại bị bệnh có dậu hiệu ngày càng nặng. Chính quyền địa phương cũng chỉ giúp đỡ, tạo điều kiện ở mức độ nhất định vì xã còn nghèo, còn nguyện vọng của gia đình muốn đưa anh Trường đi khám chữa bệnh và hỗ trợ về tương lai của bé Ngọc sau này thì ngoài khả năng của chúng tôi. Rất mong các mạnh thường quân chung tay chia sẻ với những còn người khốn khổ này”, bà Tứ chia sẻ.

Chuyện người tâm thần gây án không phải ít xảy ra nhưng nó luôn “nóng” và gây xôn xao dư luận bởi sự nguy hiểm, bất ngờ. Nhiều vụ án mà chính hung thủ và nạn nhân lại là những người thân ruột thịt. Vì vậy, sinh mạng của bé Ngọc và bà Nhu hơn lúc nào hết đang bị đe dọa bởi chính người thân của mình, bởi chính những cơn mất trí của anh Trường.

Cuộc sống của gia đình bà Nhu đang như ngọn đèn dầu sắp cạn, hơn lúc nào hết, những sinh mạng nhỏ bé giữa Tây Nguyên đại ngàn đang rất cần sự chung tay của nhưng tấm lòng nhân ái.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước