Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19?

Nguyễn Hà-Thứ bảy, ngày 08/05/2021 09:58 GMT+7

Các loại vaccine COVID-19 của Moderna, Johnson & Johnson, Pfizer-BioNTech. Nguồn: Reuters.

VTV.vn - Dỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 có thể đem lại lợi ích chống dịch COVID-19. Thế nhưng, liệu thế giới có thực sự làm được điều này? Vì sao vẫn còn nhiều sự phản đối?

Bản quyền vaccine từ lâu đã là một phần không thế thiếu trong ngành công nghiệp dược phẩm nhằm bảo vệ quyền trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các công ty dược phẩm. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng dai dẳng và sự cấp thiết của việc phổ biến vaccine đại trà cho toàn thế giới, vấn đề bản quyền vaccine lại một lần nữa nóng lên, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Cấp thiết chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine COVID-19

Vào tháng 10-2020, Ấn Độ và Nam Phi đã kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạm miễn áp dụng bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19 để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế. Hai nước này cho rằng nếu WTO không hành động sẽ chỉ có các nước giàu hưởng lợi từ các công nghệ mới trong khi các nước nghèo tiếp tục bị tàn phá do đại dịch COVID-19.

Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 1.

Vaccine COVID-19. Nguồn: Reuters

Vào tháng 12-2020, WTO cũng đã nhận được bản kiến nghị với 900.000 chữ ký kêu gọi miễn trừ bản quyền vaccine và thuốc điều trị COVID-19, do nhóm hoạt động Avaaz gửi trước thềm cuộc họp ngày 10-12-2020 của Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại (TRIPS).

Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 2.

Avaaz lấy chữ ký kêu gọi vaccine -19 cho mọi người dân.

Theo Reuters, ngày 7-5 (theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định rằng các quốc gia thế giới cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

"Nếu cả thế giới không nỗ lực nhiều hơn nữa thì việc tiêm chủng cho toàn dân trên thế giới không thể hoàn tất vào năm 2024", ông Blinken nhấn mạnh.

Hiện nay, việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Số liệu từ trang thống kê Our World in Data mới nhất cho thấy, phần lớn trong số 624 triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, lại sống ở các nước giàu có hơn. Đến giờ, các nước châu Phi mới chỉ tiếp cận 1% số liều vaccine được sử dụng trên thế giới và chỉ có khoảng một nửa trong tổng số 37 triệu liều vaccine mà châu Phi nhận được đã được sử dụng.

Trước những thực trạng trên, hơn 170 cựu lãnh đạo các nước và nhà khoa học đoạt giải Nobel hôm 14/4 đã ký vào thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Mỹ Biden miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19. Trong thư có đề cập đến thực tế rằng các nước nghèo nhất thế giới có thể mất thêm 3 năm nữa mới đủ vaccine để tiêm phòng diện rộng nếu tốc độ sản xuất và phân phối duy trì như hiện nay.

Bà Anna Marriott - Quản lý Chính sách y tế, Tổ chức Oxfam cho biết: "Chúng tôi đã xem xét tất cả các hợp đồng vaccine trên toàn cầu và chúng tôi nhận thấy rằng, nếu các tập đoàn dược phẩm và chính phủ các nước giàu có không hành động khẩn cấp, 9/10 người dân ở các nước nghèo sẽ không được tiêm vaccine trong năm 2021 và có thể trong nhiều năm tới".

Các quốc gia ủng hộ chia sẻ bản quyền vaccine

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà sản xuất vaccine trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 mà họ sở hữu bản quyền. Hiện các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đánh giá những tiến triển sau 7 tháng đàm phán liên quan đến đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc tạm miễn trừ bản quyền sáng chế đối với các loại vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, những quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận, vì vậy phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên.

Đồng quan điểm với Liên hợp quốc, ngày 5/5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO. Hiện Mỹ là quốc gia đang sở hữu bản quyền nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 được WHO cấp phép như Pfizer/Biontech, Johnson & Johnson, Moderna.

Trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới thảo luận về việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho phép nhiều nhà sản xuất tham gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đã nêu quan điểm ủng hộ của chính phủ Mỹ.

"Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19", bà nói.

Bà Tai cũng cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhưng Washington "ủng hộ miễn trừ các biện pháp bảo hộ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19".

Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 3.

Đại diện Thương mại Mỹ - bà Katherine Tai. Nguồn: AP.

Động thái trên của Mỹ đã được nhiều quốc gia ủng hộ. Cơ quan quản lý y tế của Liên minh châu Phi (AU) ngày 6/5 hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc tạm thời miễn áp dụng nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vaccine ngừa COVID-19, để bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo lắng về bằng sáng chế.

"Chúng tôi muốn sản xuất vaccine ở trong nước để chống lại đại dịch này và các đại dịch trong tương lai. Chính vì lý do này Nam Phi và Ấn Độ đã đề xuất miễn trừ bản quyền vaccine lên Tổ chức Thương mại Thế giới, để cho phép sản xuất vaccine COVID-19 ở các nước đang phát triển", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói.

Giám đốc Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), ông John Nkengasong cũng đánh giá đây là một diễn biến rất quan trọng.

"Chính phủ Mỹ đã làm điều đúng đắn vào đúng thời điểm trong cuộc chiến với thách thức khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại của chúng ta", ông Nkengasong cho biết.

Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 4.

Ông John Nkengasong - Giám đốc Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Phi. Nguồn: AFP.

Giám đốc Liên minh vaccine Gavi, ông Thabani Maphosa cũng đánh giá cao việc Mỹ "đã tạo điều kiện để tăng sản lượng" vaccine trên toàn cầu. Việc nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc sản xuất vaccine với chi phí rẻ hơn, qua đó giúp các nước nghèo, vốn đang rất vất vả để có đủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân.

Không chỉ có Mỹ đang thể hiện sự ủng hộ với bãi bỏ bản quyền vaccine, mà cả Canada, Pháp, Đức, Thụy Sỹ và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác đã bày tỏ sẵn sàng thảo luận về đề xuất này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ sáng chế với vaccine COVID-19.

"Như tôi đã nói nhiều lần ... Chúng ta không nên nghĩ về cách khai thác lợi nhuận tối đa, mà về cách đảm bảo an toàn cho mọi người", ông Putin nhấn mạnh.

Phản đối bãi bỏ bản quyền vaccine có hợp lý?

Tuy nhiên, ý tưởng trên đang vấp phải sự phản đối của các hãng dược phẩm lớn. Họ cho rằng việc này sẽ tạo tiền lệ có thể đe dọa sự đổi mới, cải tiến trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.

Đức - quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển đã nhấn mạnh, cần phải bảo vệ phát minh của các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc bãi bỏ bản quyền sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành dược phẩm.

Ông Thomass Cueni - Tổng Giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) cho hay: "Việc bãi bỏ bằng sáng chế sẽ khiến hàng trăm công ty dược phẩm tin rằng, nếu có một đại dịch khác bản quyền sở hữu trí tuệ của họ cũng sẽ không được bảo vệ. Điều đó rất đáng lo ngại".

Bãi bỏ bản quyền vaccine có hữu ích cho cuộc chiến chống COVID-19? - Ảnh 5.

Ông Thomass Cueni - Tổng Giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA)

"Tất cả mọi người đều muốn vaccine được phân phối rộng rãi, nhưng đừng quên rằng chính nhờ các bằng sáng chế mà các công ty tiếp tục đầu tư để phát triển các loại vaccine, dược phẩm, phương thức điều trị tốt hơn. Nếu không còn phần thưởng xứng đáng, họ sẽ không mạnh tay đầu tư nữa", bà Micaela Modiano - Luật sư về bằng sáng chế cho biết.

Theo lập luận của người đứng đầu Tổ chức Cải tiến công nghệ sinh học (BIO) Michelle McMurry-Heath, việc trao cho các nước một cuốn sách hướng dẫn sản xuất mà không có nguyên liệu, nhân lực cũng như các biện pháp an toàn thì không giúp ích gì cho người dân đang mong chờ vaccine. Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng dược Moderna Stephane Bancel cho rằng sẽ rất mất nhiều thời gian để làm chủ được công nghệ về RNA vận chuyển (mRNA) - cơ sở để sản xuất vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như việc mua được các thiết bị, tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng và lập dây chuyền sản xuất quy mô lớn..., những việc này "không phải trong 6, 12 hay 18 tháng".

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ cũng không phải là vấn đề đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền.

"Một trong những nhà sản xuất lớn nhất của Ấn Độ đã bày tỏ với tôi những lo ngại về việc mọi người quá tập trung vào vấn đề bằng sáng chế, mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đảm bảo và kiểm soát chất lượng vaccine. Nếu bạn có nhiều nhà sản xuất hơn, nhưng lại không đảm bảo được chất lượng, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn", ông Thomass Cueni - Tổng giám đốc Liên đoàn quốc tế Các nhà sản xuất và Hiệp hội dược phẩm (IFMPA) nói.

Các hãng dược cho biết việc sản xuất vaccine cũng bị ảnh hưởng của các hàng rào thuế quan và tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào. Đại diện công ty nghiên cứu Value Line, ông Ian Gendler cho biết việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ "không đồng nghĩa với việc các nước như Ấn Độ có thể đẩy nhanh sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước