Biến đổi khí hậu khiến số các đợt thiên tai tăng mạnh trong 20 năm qua

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 13/10/2020 06:00 GMT+7

Người dân được lực lượng phòng vệ Nhật Bản đưa khỏi khu vực bị ngập lụt ở làng Kuma. Ảnh: Reuters

VTV.vn - Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên thế giới và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chủ yếu khiến số vụ thiên tai tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo được Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR) công bố ngày 12/10 - một ngày trước Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2000 - 2019, trên thế giới đã ghi nhận 7.348 trận thiên tai lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước. Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD trong 20 năm qua.

Các con số trên tăng mạnh chủ yếu là do gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu, trong đó có lũ lụt, mưa bão, hạn hán. Số đợt lũ lụt lớn tăng hơn gấp đôi lần lên 3.254 đợt, trong khi các đợt hạn hán, cháy rừng, nắng nóng kéo dài cũng gia tăng mạnh. Số lượng các cơn bão lớn là 2.034, tăng đáng kể so với con số 1.457 cơn bão của 20 năm trước trước đó.

Các hiện tượng liên quan đến địa vật lý như động đất, sóng thần và núi lửa là nguyên nhân khiến nhiều người thiệt mạng hơn so với các thảm họa tự nhiên khác được xem xét trong báo cáo. Tồi tệ nhất là trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, cướp đi sinh mạng của 226.400 người, sau đó là trận động đất ở Haiti năm 2010 với số người thiệt mạng lên tới hơn 222.000 người.

Biến đổi khí hậu khiến số các đợt thiên tai tăng mạnh trong 20 năm qua - Ảnh 1.

Ban công một tòa chung cư ở thành phố Ngọc Hoàn, tỉnh Chiết Giang, bị bão Hagupit xé toạc. Ảnh: Weibo

Xét theo khu vực, châu Á hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong 20 năm qua với 3.068 trận thiên tai, sau đó là châu Mỹ với 1.756 trận và châu Phi 1.192 trận. Xét theo quốc gia, nước ghi nhận nhiều vụ thiên tai nhất là Trung Quốc (577), sau đó là Mỹ (467), Ấn Độ (321) và Indonesia (278). Trong số 10 nước ghi nhận số các vụ thiên tai nhiều nhất thế giới, có tới 8 nước châu Á. Các con số thống kê trên được tổng hợp từ Dữ liệu Các sự kiện khẩn cấp, ghi lại các đợt thiên tai khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới ít nhất 100 người hoặc kéo theo việc chính quyền địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chuyên gia Debarati Guha-Sapir làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về dịch tễ học do thiên tai tại Đại học Louvain, Bỉ, cảnh báo nhân loại sẽ đối mặt với một tương lai "rất mờ mịt" nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gia tăng theo cấp độ này trong 20 năm tới. Nắng nóng sẽ là thách thức lớn nhất đối với con người trong 10 năm tới, đặc biệt tại những nước kém phát triển.

Về phần mình, người đứng đầu UNDRR Mami Mizutori nhấn mạnh ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân của tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Bà kêu gọi chính phủ các nước đầu tư để xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và triển khai những chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Con người có thể đã bỏ lỡ 'cơ hội vàng' khắc phục biến đổi khí hậu Con người có thể đã bỏ lỡ "cơ hội vàng" khắc phục biến đổi khí hậu Mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao gần 40cm do biến đổi khí hậu Mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao gần 40cm do biến đổi khí hậu Giải pháp “gây tranh cãi” cho vấn đề biến đổi khí hậu Giải pháp “gây tranh cãi” cho vấn đề biến đổi khí hậu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước