Trên toàn thế giới, gần 27,7 triệu người đã bị lây nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)
Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch COVID-19 khi có tổng cộng hơn 6,5 triệu ca mắc, trên 193.800 người tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc mới.
Tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, gần 90.000 người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên hơn 4,3 triệu trường hợp. Số bệnh nhân tử vong do đại dịch tại quốc gia này là trên 73.900 người.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Brazil là trên 4,1 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm hơn 14.200 trường hợp nhiễm bệnh. Số người không qua khỏi bệnh dịch tại quốc gia này hiện đang ở mức cao thứ hai thế giới sau Mỹ với hơn 127.400 ca.
Brazil có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ. (Ảnh: AP)
Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19. Ngày 8/9, Bộ Y tế hai nước công bố số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh cho biết, Philippines và Indonesia đều ghi nhận thêm hơn 3.000 ca nhiễm trong ngày.
Cụ thể, Indonesia ghi nhận 3.046 ca mắc mới và con số này tại Philippines là 3.260 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo có thêm 100 ca tử vong, trong khi Philippines ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Đến nay, Philippines ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là gần 242.000 ca và hơn 3.900 trường hợp. Trong khi đó, con số này của Indonesia là trên 200.000 ca nhiễm và hơn 8.200 người tử vong.
Malaysia cùng ngày ghi nhận 100 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất kể từ khi áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) từ ngày 10/6. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là hơn 9.500 trường hợp. Trong khi đó, Brunei và Campuchia không ghi nhận ca nhiễm mới.
Ngày 8/9, số ca mắc COVID-19 mới tại Malaysia ở mức 3 con số. (Ảnh: AP)
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc trải qua ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức dưới 200 ca/ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 136 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên hơn 21.400 trường hợp. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) ngày 8/9 cho biết, chỉ tính riêng trong hai tuần qua, nước này đã ghi nhận 52 vụ lây nhiễm tập thể, tăng gấp 5 lần so với thời điểm đầu tháng 8. Đặc biệt, địa điểm phát sinh những ổ dịch này không chỉ là các cơ sở tôn giáo như trước đây mà còn xuất hiện thêm ở những nơi tập trung đông người như cơ sở y tế, nơi tập luyện thể thao... với nhiều hình thức tụ tập khác nhau như họp câu lạc bộ, gặp gỡ giao lưu.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh. Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trước chiều hướng tích cực của tình hình dịch bệnh. Những cuộc tụ tập được phép 4 người tham gia, thay vì 2 người như trước đây, số người được ngồi cùng nhau ăn uống trong nhà hàng sẽ tăng lên 4 người. Một số trung tâm giải trí cũng được mở cửa trở lại từ ngày 11/9.
Tại Nhật Bản, các nguồn tin Chính phủ cho biết, nước này có kế hoạch nới lỏng quy định hạn chế số lượng người có mặt tại các hội thảo chuyên nghiệp, buổi hòa nhạc hay những sự kiện khác vào cuối tháng 9 trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm trên toàn quốc.
Nga đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19 với hơn 1 triệu trường hợp. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, Nga chiếm 1/3 số ca nhiễm của cả châu lục với hơn 1 triệu người mắc bệnh. Nếu xét về số ca tử vong, Anh vẫn đứng đầu với hơn 41.500 người, tiếp theo là Italy với trên 35.500 bệnh nhân và Pháp với hơn 30.700 bệnh nhân. Ngày 8/9, Ukraine ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 1 ngày. Với 57 ca mới, tổng số người tử vong ở nước này đã lên tới 2.934 trường hợp.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận, tình hình dịch bệnh tại nước này đang rất đáng quan ngại với số ca nhiễm mới trong 1 ngày liên tục ở mức cao nhất. Tuy nhiên, theo ông Olivier Veran, Pháp vẫn có thể tránh được nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 bởi tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức 1,2, thấp hơn nhiều so với mức 3,2 - 3,4 vào thời điểm mùa Xuân. Điều này có nghĩa, sự lây lan của virus đang chậm lại. Hiện Pháp ghi nhận hơn 335.500 ca mắc COVID-19, trên 30.700 người không qua khỏi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya cho biết, Chính phủ nước này đang đề nghị Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp đi lại phù hợp nhằm hạn chế các vấn đề mà du khách hoặc các hãng lữ hành có thể gặp phải. Hiện Tây Ban Nha cũng đang thảo luận với Anh và EU về việc xem xét cả những yếu tố khác, ngoài số ca nhiễm, để đưa ra quyết định về việc áp đặt biện pháp cách ly đối với du khách. Tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha tới thời điểm này là 534.500 ca. Gần 29.600 người đã tử vong vì bệnh dịch tại quốc gia này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!