Hơn 198,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 35,7 triệu ca mắc và hơn 629.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện vì COVID-19 ngày càng tăng do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, tốc độ tiêm chủng trên toàn nước Mỹ đã được cải thiện. Số người tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã tăng đều đặn trong 3 tuần qua, trung bình khoảng hơn 650.000 liều trong 7 ngày, tăng 26% so với 3 tuần trước. Đáng chú ý, tốc độ tiêm chủng đã được đẩy nhanh ở một số bang miền Nam, vốn gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng do có nhiều người lo ngại về sự an toàn của các loại vaccine hiện nay cũng như vì một số lý do khác. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến nay, 49,5% người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ.
CDC đưa ra khuyến cáo rằng, những người đã tiêm 2 mũi vaccine nên đeo khẩu trang để tránh trở thành nguồn lây nhiễm, bảo vệ cộng đồng. Khuyến cáo này dựa trên một nghiên cứu đáng chú ý vừa được công bố. Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị, theo đó, những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm virus, nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 1/8, nước này ghi nhận hơn 40.700 ca mắc mới COVID-19 và 424 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,69 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 424.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 556.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 19,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Phụ nữ mang thai cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 do biến thể Delta có thể khiến họ có nguy cơ cao hơn xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Đây là khuyến cáo do giới chức y tế Anh đưa ra đối với nhóm đối tượng đặc biệt này. Quan chức y tế vùng England dẫn các số liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy, số thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện với những triệu chứng nặng gia tăng đáng kể. Ngoài ra, biến thể Delta khiến tình trạng bệnh của họ nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, kể từ tháng 2 vừa qua, không có ai trong hơn 3.000 thai phụ đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 phải nhập viện với các triệu chứng nặng. Từ tháng 4, giới chức y tế Anh đã khuyến cáo thai phụ tiêm vaccine, nhưng có khoảng 58% số thai phụ thuộc diện được tiêm đã từ chối tiêm chủng.
Giới chức y tế Anh đã khuyến cáo thai phụ tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: AP)
Các quan chức y tế hàng đầu của Canada cảnh báo rằng, quốc gia Bắc Mỹ này có thể đang chứng kiến sự khởi đầu của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ tư do biến thể Deltasự lây lan mạnh. Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, Tiến sĩ Theresa Tam, nhận định, mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát trở lại đại dịch sẽ phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt khi các tỉnh đang triển khai kế hoạch mở cửa nền kinh tế.
Một vườn thú ở Indonesia vừa phát hiện hai con hổ Sumatra được nuôi tại đây mắc COVID-19. Tino, một con hổ 9 tuổi và Hari, 12 tuổi, đã được xét nghiệm sau khi cả hai đều có các triệu chứng giống như cúm, khó thở và chán ăn.Hai con hổ này đã trải qua khoảng 10 đến 12 ngày điều trị và đang dần có dấu hiệu hồi phục. Nhà chức trách địa phương hiện đang cố gắng tìm hiểu xem vì sao chúng bị nhiễm bệnh vì không ai trong số những người chăm sóc và công nhân bị nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian những con vật bị nhiễm bệnh.
Indonesia hiện là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với hơn 3,4 triệu ca nhiễm và trên 95.700 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ngày 1/8, nước này ghi nhận thêm 30.738 ca nhiễm mới COVID-19 và 1.604 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Malaysia có thêm hơn 17.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là con số cao thứ tư trong một ngày ở nước này từ trước đến nay. Hiện tổng số ca mắc trên toàn Malaysia là hơn 1,1 triệu người. Bộ Y tế Malaysia dự báo, dịch bệnh COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Bộ Y tế Lào ngày 1/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 267 ca mắc COVID-19, trong đó đa phần là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, trong thời gian gần đây, số lượng ca mắc là người nhập cảnh luôn ở mức cao, trong đó tỷ lệ ca nhiễm biến chủng Delta dễ lây lan là 35%, tức là cứ 3 người mắc COVID-19 thì có một người mang biến chủng này. Điều này đã kiến các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi có cửa khẩu biên giới với Thái Lan, đang chịu áp lực lớn trong việc tiếp nhận và sàng lọc y tế cho người lao động nhập cảnh về nước.
Trong đó, Savannakhet và Champasak là hai tỉnh có lượng người nhập cảnh cao kể từ đầu tháng 7, đây cũng là nơi ghi nhận tỷ lệ ca mắc COVID-19 từ người nhập cảnh cao nhất cả nước, lần lượt là 38% và 30%. Trước tình hình trên, chính quyền hai tỉnh này đã lập thêm các trung tâm cách ly và bệnh viện dã chiến để đón nhận người lao động từ Thái Lan trở về. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.566 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong.
Ngày 1/8, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi để nâng cao tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên 80%. Tại lễ phát động, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, ngoài việc tiêm cho khoảng 2 triệu trẻ em và thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, Campuchia sẽ tìm nguồn vaccine thích hợp để tiêm cho gần 1 triệu người trẻ em từ 10 đến 11 tuổi. Nếu thực hiện được kế hoạch này, Campuchia sẽ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 13 triệu dân, chiếm hơn 81% dân số và sẽ nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng.
Thủ tướng Hun Sen kêu gọi, tất cả các bậc phụ huynh và người giám hộ đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ trẻ em, đồng thời tạo miễn dịch cho cộng đồng, phục hồi kinh tế - xã hội và đặc biệt là mở lại các trường học.
Tính đến ngày 31/7, Campuchia đã tiêm vaccine cho hơn 7,3 triệu người, chiếm hơn 73% trong độ tuổi từ 18 trở lên. Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo, Chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ 3 với vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc. Hiện Campuchia báo cáo 77.914 ca mắc và 1.420 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản ngày 1/8 bắt đầu triển khai các điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các sân bay quốc tế cho công dân hồi hương tạm thời. Nhiều công dân Nhật Bản muốn về nước để tránh dịch trước khi bay có thể truy cập trang web đặc biệt do Chính phủ nước này thiết lập để đặt trước lịch tiêm. Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ đảm bảo cho họ quyền lợi được tiếp cận nguồn vaccine trong nước. Chiến dịch sẽ được triển khai ít nhất đến tháng 1/2022. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có khoảng 40.000 công dân nước này muốn được tiêm phòng khi hồi hương tạm thời.
Thái lan siết chặt các hạn chế ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ dịch bệnh cao. (Ảnh: AP)
Tại cuộc họp kết thúc vào chiều tối qua, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) Thái Lan đã quyết định gia hạn các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao trong ít nhất 2 tuần nhằm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh khi nước này đối phó với đợt bùng phát lớn nhất cho đến nay.
Theo đó, từ ngày (3/8), 29 tỉnh (tăng 16 tỉnh so với đợt phong tỏa trước) thuộc vùng đỏ sậm sẽ áp dụng biện pháp giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, kể cả giao thông công cộng. Các biện pháp hạn chế khác bao gồm việc đóng cửa tất cả các cửa hàng trong trung tâm mua sắm từ 8 giờ tối, trừ các nhà bán lẻ được coi là cần thiết như siêu thị, cửa hàng thuốc, cửa hàng bán thiết bị y tế và truyền thông. Ước tính 29 tỉnh màu đỏ sậm chiếm 40% dân số và chiếm 3/4 tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan.
Theo Bộ Y tế Thái Lan nếu tình hình dịch tại các tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp, lệnh phong tỏa có thể sẽ được áp dụng tới hết tháng 8.
24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 55 ca trong cộng đồng. Trong đó ổ dịch Nam Kinh, tỉnh Giang Tô 40 ca, Hồ Nam 7 ca. Bắc Kinh, Hồ Bắc mỗi nơi 2 ca. Sơn Đông, Hà Nam, Hải Nam và Vân Nam, mỗi nơi 1 ca.
Đang cao điểm mùa hè nên nhiều vùng du lịch đông khách. Nhưng ở Trung Quốc, chiến lược chống dịch vẫn luôn là sự quyết liệt, dứt khoát là yếu tố quan trọng nhất. Nhiều vùng du lịch đóng cửa, hay bắt buộc du khách phải có xét nghiệm âm tính mới được đi vào các khu du lịch, điểm vui chơi, các trường học bắt buộc học sinh đi du lịch hay ra khỏi địa phương phải đi xét nghiệm khi trở về. Nhiều địa phương đã siết chặt các cửa ngõ để ngăn chặn người đến từ các vùng dịch từ trung bình đến cao
Ổ dịch Nam Kinh, tỉnh Giang Tô làm lây lan 15 thành phố lần này bị nhiều người chỉ trích là ứng phó dịch muộn. Trước mắt lãnh đạo Sân bay quốc tế Lộc Khẩu bị cách chức. Tùy tình hình dịch mà Trung Quốc có bước xử lý với lãnh đạo chính quyền. Ở Trung Quốc, khi để xảy ra dịch lớn, lãnh đạo tỉnh thành rất dễ bị xem xét trách nhiệm, hay bị cách chức.
Tính đến ngày 1/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc tăng lên hơn 93.000 người với số bệnh nhân tử vong không đổi là 4.636 trường hợp.
Tại Hàn Quốc, làn sóng lây nhiễm lần thứ tư vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, dù Chính phủ nước này đã áp dụng mức giãn cách xã hội cao nhất ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết, có hơn 1.440 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh ở nước này lên gần 200.000 trường hợp.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang xem xét những biện pháp bổ sung để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư, khi số ca bệnh mới tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước bất chấp nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn thời gian giãn cách xã hội mức cao nhất (cấp độ 4) ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận cho đến ngày 8/8 tới. Hoạt động tiêm chủng cũng đang được thúc đẩy bằng cách mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang nhóm dân số trẻ hơn.
Ngày 1/8, Pakistan thông báo ghi nhận 5.026 trường hợp mới mắc COVID-19. Đây là số ca mắc mới hàng ngày cao nhất trong 3 tháng qua. Bộ Y tế Pakistan cho biết, 62 người đã tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca thiệt mạng do COVID-19 lên 23.422 bệnh nhân. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Pakistan là trên 1 triệu người. Cho đến nay, Chính phủ Pakistan đã tiêm hơn 29,64 triệu liều vaccine cho người dân nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chỉ trong tuần qua, số người mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 người tử vong/tuần trên toàn cầu.
Tại một loạt quốc gia như Anh, Israel, Singapore, Mỹ, số ca nhập viện vì biến thể Delta tăng đột biến. Trong nỗ lực giải mã trình tự bộ gene của virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, biến thể Delta là phiên bản lây lan nhanh nhất, thích nghi nhất với cơ thể con người trong số các biến chủng và cũng đáng sợ nhất. Và biến thể Delta vẫn đang thay đổi các đặc điểm sinh học để có thể lây lan nhiều hơn hoặc tăng khả năng né tránh miễn dịch.
Nghiên cứu được Bộ Y tế Israel thực hiện trong tháng 6 vừa qua trên hàng chục nghìn người cho thấy, đối với những người Israel đã tiêm vaccine từ hồi tháng 1, tính công hiệu của vaccine trong việc ngăn chặn nguy cơ bị lây nhiễm biến thể Delta giảm xuống chỉ còn 16%. Trong khi ở những người tiêm hồi tháng 4, tính công hiệu vẫn là 75%.
Các nhà khoa học cho rằng, hiện chưa rõ virus SARS-CoV-2 có thể phát triển tới mức độ nào khi thích nghi với cộng đồng đã xây dựng hệ miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh. WHO cảnh báo, Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng và nhiều quốc gia phải đẩy nhanh tiêm chủng, duy trì các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, để chuẩn bị đối phó với các biến thể mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!