Theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu thị trường Jefferies, tính theo tỉ lệ phần trăm thu nhập mà hộ gia đình có thể sử dụng sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội, thì Trung Quốc là nơi đắt đỏ nhất để nuôi một em bé từ khi lọt lòng đến năm 18 tuổi. Trong thời gian đó, trung bình mỗi hộ gia đình Trung Quốc sẽ tốn hơn 75 nghìn USD và cần thêm 22 nghìn USD nữa để trả chi phí học đại học. Tổng chi phí xấp xỉ 100 nghìn USD (khoảng 2,3 tỷ VNĐ).
Từ thành thị đến nông thôn, các khoản chi tiêu đắt đỏ dành cho con cái đang khiến các gia đình trẻ ở Trung Quốc hết sức đau đầu.
Nếu bạn sinh sống tại đô thị lớn tại Trung Quốc thì có thể phải chuẩn bị khoảng 265 đến 465 nghìn Nhân dân tệ (tương đương từ 950 triệu đến 1,6 tỷ VNĐ) trước khi có ý định sinh em bé. Theo Reuters, nguồn lực tại các bệnh viện công ở Trung Quốc đang eo hẹp và ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn sinh con tại các cơ sơ y tế tư nhân với mức phí khoảng 100 nghìn Nhân dân tệ.
Trong tháng ở cữ, các gia đình thường thuê bảo mẫu với giá khoảng 15.000 Nhân dân tệ. Các bà mẹ cũng đang có xu hướng sử dụng dịch vụ chăm sóc sau sinh, mà chi phí như vậy tại Bắc Kinh sẽ có giá từ 150.000 đến 350.000 Nhân dân tệ mỗi tháng.
Đáng chú ý, giáo dục chiếm một phần lớn trong chi phí nuôi con. Chị Qiu Chunjuan - Phụ huynh có 2 con, Thượng Hải nói: "Áp lực kinh tế ở Thượng Hải vẫn còn rất lớn, như con trai tôi học ở trường tư thục nên ngoài tiền học chính thì sẽ mất tiền học thêm nữa".
Tuy nhiên sự tốn kém chưa chắc đã nằm ở học phí. Nhiều thành phố ở Trung Quốc quy định, nếu muốn xin cho con học trường tốt thì gia đình phải cư trú cùng quận với ngôi trường, những người không đủ điều kiện vào các trường công lập vì họ không có giấy phép cư trú thì phải theo học các trường tư thục, học phí từ 40.000 đến 250.000 Nhân dân tệ mỗi năm.
Tại Thượng Hải, tính riêng trong năm 2020, doanh số bán nhà tại các khu vực có nhiều trường học tốt đã tăng tới 21%, giá nhà tăng tới 8%. Những căn hộ ở những quận có trường học tốt như Hải Điến ở Bắc Kinh, nơi có giá nhà trung bình hơn 90.000 Nhân dân tệ mỗi mét vuông, ngang bằng với giá trung bình ở Manhattan, Mỹ.
Chị Hu Yanhua - Phụ huynh có 1 con, Thượng Hải nói: "Hiện tại có rất ít người chọn sinh thêm con, đặc biệt là ở một nơi đắt đỏ như Thượng Hải".
Ở thành phố đắt đỏ đã đành, giờ đây, ngay tại các vùng nông thôn, nhiều bà mẹ cũng chưa sẵn sàng tâm lý sinh thêm con. Chị Ping, một nông dân sống ở ngoại ô Thượng Hải cho biết, sẽ không sinh con thứ ba vào thời điểm này. "Kể cả khi có sinh thêm con thứ ba thì cũng phải 2 năm nữa tôi mới tính đến khả năng đó. Khi ấy thì đứa con thứ hai của tôi đã lớn lên một chút, tôi mới dành thời gian cho đứa nhỏ hơn được".
Thay đổi cơ cấu dân số - Trung Quốc đối mặt áp lực già hóa
Các gia đình ngại sinh con làm thay đổi đáng kể cơ cấu dân số của Trung Quốc. Nếu như năm 2015 tỷ lệ người trên 60 tuổi của Trung Quốc chỉ chiếm 16% thì đến năm 2050 số người ở độ tuổi về hưu sẽ chiếm tới 1/3 dân số. Độ tuổi lao động trước đây áp đảo thì tương lai được dự báo cũng chỉ xấp xỉ 50% dân số.
Đối mặt với thách thức này, giới chức Trung Quốc liên tiếp có động thái nới lỏng chính sách. Trước năm 2016, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được phép sinh 1 con thì chỉ 5 năm sau, đến giữa năm 2021 giới chức nước này đã cho phép các cặp vợ chồng có tối đa 3 con. Một sự thay đổi lớn về chính sách chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Gần nhất là Quốc hội nước này đã thông qua nhiều chính sách khuyến khích sinh 3 con. Miễn học phí 100% cho đứa con thứ 3 từ mẫu giáo đến THPT. Trợ cấp bảo hiểm, sinh hoạt cho đứa con thứ 3 đến 18 tuổi. Gần đây, Trung Quốc cũng làm cuộc cách mạng cấm dạy thêm nhằm giảm áp lực, giảm chi phí học hành cho phụ huynh.
Ngoài 98 ngày nghỉ thai sản, nhiều địa phương còn cấp thêm 30 ngày nghỉ cho người sinh con thứ 3. Một số nơi trợ cấp cho gia đình sinh con thứ 3 cho tới 3 tuổi, mỗi tháng 500 Nhân dân tệ. Tuy vậy, tỷ lệ sinh của nước này vẫn thấp nhất 6 thập niên gần đây.
Tâm lý ngại sinh con của các gia đình trẻ tại Trung Quốc
Tuy chưa giàu có nhưng Trung Quốc đang bị nghịch lý nhân khẩu - kinh tế học như các nước phương Tây - nghĩa là khi có điều kiện hơn nước nghèo thì ngại sinh.
Giới trẻ Trung Quốc còn gặp nhiều áp lực từ khẳng định mình, kiếm tiền cũng như hưởng thụ cuộc sống nên kết hôn ngày càng muộn và chỉ muốn có 1-2 con. Tỷ lệ cặp kết hôn năm qua chỉ bằng một nửa so với 7 năm trước.
Nhiều người tỏ ra không mấy hào hứng với chính sách sinh 3 con bởi quá nhiều áp lực trên vai mà một đứa con phải chịu do hậu quả của chính sách 1 con hà khắc để lại như chăm sóc tứ thân phụ mẫu, nợ thế chấp… chi phí sinh đẻ, nuôi dưỡng, sinh hoạt hàng ngày cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!