“Mùa” SEA Games chẳng phải để…kiếm tiền
Ngay từ khi đáp chân xuống máy bay, điều đầu tiên mà du khách quốc tế có thể cảm nhận được chính là sự thân thiện và nhiệt tình của người dân nơi đây. Khu vực sân bay luôn tấp nập taxi chờ sẵn với các “bác tài” tiếng Anh lưu loát. Tuy nhiên, để được hoạt động tại đây, những chiếc xe này bắt buộc phải tuân thủ theo một quy định – chạy theo giá niêm yết.
‘ Sự thân thiện là điều dễ thấy ở bất kỳ người dân Myanmar nào
Cứ ngỡ, đấy là cách “làm màu” của nước chủ nhà với du khách tới cổ vũ cho SEA Games. Tuy nhiên, dường như sự trung thực và thân thiện chính là bản tính của người dân nơi đây. Không khó để bắt gặp hình ảnh những “thông dịch viên” bất đắc dĩ người địa phương, chẳng quản nại làm “cầu nối” cho du khách với những cư dân bản địa - hay đôi khi chúng ta thậm chí sẽ phải cảm thấy ngỡ ngàng (pha chút lo sợ) khi một người Myanmar chẳng quen biết, nằng nặc đòi xách hộ đồ cho mình trong chợ chiều nhập nhoạng – rốt cuộc chỉ mong có được những cái nhìn thiện cảm từ phía bạn bè quốc tế.
Đằng sau bức màn bí ẩn của một quốc gia nhiều năm đóng cửa với thế giới, nhờ SEA Games, Myanmar dần hiện lên là một đất nước mến khách đến…lạ lùng. Với những người dân nơi đây, SEA Games dường như là một sự kiện lớn trong năm – hay thậm chí là cả thập kỷ qua. Và do đó, mỗi người dân tự ý thức được rằng, sự kiện này không phải dịp để họ chộp giật, kiếm lời trong chốc lát nhờ những chiêu trò câu kéo tinh vi mà là cơ hội có-một-không-hai để bạn bè trong khu vực và trên thế giới thấy được vẻ đẹp từ chính tâm hồn Myanmar.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt
‘ Myanmar đã rất nỗ lực để gửi tới bạn bè quốc tế một kỳ SEA Games trọn vẹn nhất
Đây là điều dễ thấy ở Nay Pyi Taw – thủ đô mới của Myanmar và cũng là địa điểm tổ chức chính của SEA Games 27 lần này. Đường phố rộng thênh thang với 10 làn đường đã giúp cho vấn đề giao thông nơi đây diễn ra thuận lợi, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Do đó, dù mỗi địa điểm thi đấu ở cách nhau khá xa, có khi khoảng cách lên tới 10km, tuy nhiên, chỉ với chừng 8-10 phút đi, khán giả đã có thể tới nơi cổ vũ cho các VĐV mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian diễn ra đại hội, một hệ thống xe buýt miễn phí được huy động để phục vụ cho du khách, dân bản địa cũng như các cơ quan báo chí tới tác nghiệp.
Chưa hết, cơ sở hạ tầng nhà thi đấu tại Nay Pyi Taw nói riêng và trên cả Myanmar (để chuẩn bị cho SEA Games) nói chung đều vô cùng tốt. Đích thân ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, khi chứng kiến cơ sở vật chất nước bạn, đã phải thốt lên rằng: “Myanmar đã chuẩn bị quá tầm cho SEA Games!”. Theo ông, những địa điểm tổ chức thi đấu mà Myanmar xây dựng, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của Olympic.
Đừng gọi SEA Games là “ao làng”
‘ Cụm từ "ao làng" có quá tàn nhẫn với những nỗ lực của nước chủ nhà hay không?
Rõ ràng, ở Nay Pyi Taw 2013, những “hạt sạn”, những sự bất công nơi công tác trọng tài vẫn còn tồn đọng, gây nên bao ức chế cho các đoàn tham dự. Tuy nhiên, SEA Games không chỉ là ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á mà còn là dịp để nước chủ nhà gửi tới bạn bè quốc tế hình ảnh đẹp về quốc gia đăng cai. Có đáng không, nếu chỉ vì thành tích, vì huy chương mà chúng ta gạt bỏ hoàn toàn những nỗ lực, những cố gắng thực tâm mỗi người dân Myanmar?