Chuyên mục

Thời đại mới của hàng xa xỉ cũ

VTV Digital - 26/10/2020 - 14:11 - Tiêu dùng

VTV.vn - Việc mua bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng không phải là mới, tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã khiến xu hướng này "nở rộ".

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều cửa hàng bán lẻ của ngành thời trang gặp khó. Tuy nhiên, dịch bệnh là cánh cửa mở ra những cải tiến mới. Mới đây, hãng thời trang xa xỉ Gucci đã thông báo chính thức bán đồ cũ của hãng, thông qua trang kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng The RealReal.

The RealReal mở một trang kinh doanh riêng cho các món đồ hiệu cũ của Gucci. Tuy mới ra đời hơn 3 tuần nhưng trang này đã có tới hàng nghìn sản phẩm Gucci cũ đăng bán từ người tiêu dùng. Các mặt hàng đầy đủ từ quần áo, túi xách đến đồ trang sức cho cả nam, nữ và trẻ em.

Ngoài ra, Gucci cũng cung cấp thêm nhiều món đồ hiệu mà phần lớn mới chỉ dùng trong các buổi chụp hình và chưa bao giờ được bán công khai.

Thời đại mới của hàng xa xỉ cũ - Ảnh 1.

Việc bỏ ra 1 số tiền vừa phải để sở hữu hàng hiệu đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hãng tư vấn BCG ước tính thị trường hàng xa xỉ cũ có tổng giá trị khoảng 30 - 40 tỷ USD trên toàn cầu. Tuy con số này là hết sức khiêm tốn so với thị trường 300 tỷ USD của hàng xa xỉ truyền thống nhưng tốc độ tăng trưởng lại mạnh hơn. Trong 5 năm tới, BCG dự đoán thị trường hàng hiệu cũ sẽ tăng trưởng khoảng 15 - 20% mỗi năm.

Cái bắt tay giữa Gucci và The RealReal được đánh giá là sự chuyển mình trong làng thời trang xa xỉ bởi đây là thương hiệu xa xỉ đầu tiên chính thức chấp nhận bán những món đồ cũ của hãng. Họ thường tránh bán đồ cũ để bảo vệ tính độc quyền của sản phẩm. Đây là mấu chốt mang lại vị thế sang trọng cho một thương hiệu, khiến khách hàng luôn trong trạng thái khao khát được sở hữu món đồ.

Thế nhưng chính xu hướng ưa chuộng đồ xa xỉ đã qua sử dụng của giới trẻ, đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19 đã buộc các thương hiệu thời trang lớn phải thay đổi tư duy và cố gắng tận dụng sự tăng trưởng này. 

Thời đại mới của hàng xa xỉ cũ - Ảnh 2.

Thời buổi kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19 đã buộc các thương hiệu thời trang lớn phải thay đổi tư duy và cố gắng tận dụng sự tăng trưởng này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các hãng xa xỉ và thị trường đồ cũ không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”. The RealReal đã từng bị nhà mốt Chanel kiện ra toà với cáo buộc bán hàng nhái. Còn đối với hình thức livestream đang bùng nổ ở Trung Quốc, mới đây, một nhân vật nữ nổi tiếng trên mạng chuyên livestream bán quần áo các thương hiệu nổi tiếng đã bị cảnh sát ập vào bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của hàng chục nghìn người đang theo dõi buổi phát sóng.

Cảnh sát đã thu giữ hơn 3.000 hàng hoá bao gồm quần áo, trang sức làm giả của các thương hiệu xa xỉ. Các sản phẩm nhái đều được thổi phồng giá và giới thiệu là phiên bản giới hạn, song được bán với giá khuyến mãi để tri ân khách hàng, có khi chỉ bằng 1/10 giá gốc. Để tránh bị điều tra, sau mỗi buổi livestream, nhóm này sẽ xoá hết các link mua hàng giả. Điều tra của cảnh sát cho thấy trong số hàng trăm doanh nghiệp hơp tác với nhân vật livestream này, gần 30 doanh nghiệp bị nghi bán hàng xa xỉ giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

VTV Digital

Cùng chuyên mục

XEM

Nhiều tiềm năng phát triển bền vững ngành nguyên liệu F&B tại Việt Nam

VTV.vn - Xu hướng tiêu dùng mới và tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang khiến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho ngành F&B.

“Tiết kiệm ồn ào” lên ngôi, thời điểm Gen Z bớt… “bốc đồng” khi mua sắm đã tới?

VTV.vn - Theo Wall Street Journal, sang năm 2024, trên các nền tảng xã hội, trào lưu “Loud Budgeting" (tiết kiệm ồn ào) bắt đầu nở rộ.