Tổng thống Nga Putin (giữa) trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu (phải) và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. (Ảnh: Reuters)
1. Nga rút các đơn vị chủ lực ra khỏi Syria
Ngày 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút các lực lượng quân đội chính của Nga khỏi Syria từ ngày 15/3.
Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông Putin cho biết nhiệm vụ ở Syria đã được thực hiện và ra lệnh Bộ Quốc phòng rút quân, kết thúc chiến dịch kéo dài 5 tháng tại Syria.
Theo ông Putin, quyết định này sẽ tăng thêm lòng tin của các bên tham gia vào tiến trình chính trị ở Syria và giúp giải quyết xung đột ở Syria một cách hòa bình. Ông Putin cho biết thêm, lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Theo người phát ngôn điện Kremlin, Tổng thống Nga đã thảo luận và nhất trí với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về quyết định rút quân khỏi Syria.
Sau đó, ngày 17/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sứ mệnh quân sự của nước này ở Syria đã thành công song ông cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Syria và có thể nối lại các hoạt động quân sự một lần nữa chỉ trong vòng "vài giờ" nếu cần thiết.
Tổng thống Putin cho biết, việc Nga rút quân khỏi Syria vì muốn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột trong suốt 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, quân đội Nga có đủ khả năng để tái lập, mở rộng sự hiện diện quân sự theo một quy mô tương xứng với tình hình.
Theo ông Putin, Nga sẽ để lại hệ thống tên lửa phòng không S-400 ở Syria và giúp quân đội nước này tăng cường hệ thống phòng không. Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục giám sát lệnh ngừng bắn ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
2. Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc sáng 18/3 đưa tin Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông của nước này.
Quả tên lửa đã bay xa khoảng 800 km trước khi rơi xuống biển.
Thông tin trên đã được giới chức Hàn Quốc và Mỹ xác nhận, tuy nhiên phía Triều Tiên chưa đưa ra bình luận nào. Quân đội Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình và chuẩn bị các lực lượng sẵn sàng trước bất kỳ hành động nào khác của Bình Nhưỡng.
Động thái của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh sớm tiến hành các vụ thử tên lửa và đầu đạn hạt nhân.
Ngay sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế sau động thái trên.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Jun-hi yêu cầu Bình Nhưỡng dừng các hành động khiêu khích và cho biết Chính phủ nước này đã được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó. Ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản đã ngay lập tức triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia và chỉ thị cho các Bộ, ngành hữu quan làm việc với phía Hàn Quốc và Mỹ để thu thập và phân tích thông tin liên quan tới vụ phóng.
Tiếp đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới đây.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng hối thúc Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
3. Rơi máy bay của Dubai tại Nga
Một chiếc máy bay khởi hành từ Dubai đã bất ngờ bị rơi tại miền Nam nước Nga. Tai nạn này khiến tất cả hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
CNN đưa tin chiếc Boeing 737 thuộc hãng hàng không giá rẻ FlyDubai đã bị rơi khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay thành phố Rostov ở miền Nam nước Nga. Toàn bộ 55 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Con số được hãng thông tấn Tass dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Tình trạng Khẩn cấp khu vực.
Giới chức Nga cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn có thể do lỗi của phi công và điều kiện thời tiết xấu. Được biết, vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không FlyDubai thuộc các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất xảy ra tại sân bay ở thành phố Rostov trên sông Đông (miền Nam nước Nga) vào sáng 19/3.
Theo Cố vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga, chiếc máy bay đã không thành công trong nỗ lực hạ cánh lần thứ nhất. Trong lần hạ cánh thứ hai, máy bay này đã đâm thẳng xuống khu vực cách đầu đường băng 250m và nổ tung. Vào thời điểm này, thời tiết tại sân bay ở thành phố Rostov trên sông Đông rất xấu, có mưa và gió giật. Đây có thể là nguyên nhân khiến phi công không nhìn thấy đường băng.
Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga đã gửi 700 nhân viên và 90 thiết bị tới hiện trường, khẩn trương tìm kiếm thi thể các nạn nhân và hai chiếc hộp đen. Được biết, trước đó có hai chuyến bay tới sân bay Rostov cũng đã phải chuyển hướng tới một sân bay khác gần đó và một chuyến bay đã phải quay trở lại nơi xuất phát là thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do điều kiện thời tiết xấu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay thảm khốc của tại thành phố Rostov trên sông Đông. Ông cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ tối đa thân nhân của các nạn nhân.
Cùng ngày, RIA Novosti thông báo đã tìm thấy một trong số hai hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Chiếc hộp đen còn lại hiện vẫn được tìm kiếm.
4. Ông Htin Kyaw đắc cử Tổng thống Myanmar
Các nghị sĩ trong lưỡng viện Quốc hội Myanmar đã nhất trí bầu ông Htin Kyaw làm Tổng thống dân sự đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này sau nhiều thập kỷ.
Trong cuộc bầu chọn Tổng thống được xem là có ý nghĩa lịch sử đối với Myanmar, ông Htin Kyaw, 70 tuổi, cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, đã giành được 360/ 652 phiếu bầu từ Hạ Viện và Thượng viện.
Xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 là ứng cử viên do quân đội đề cử là ông Myint Swe và ông Henry Van Thio, đại diện đảng NLD với số phiếu lần lượt là 213 và 79 phiếu bầu.
Theo quy định của hiến pháp Myanmar, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành Tổng thống. Hai ứng cử viên có số phiếu cao thứ 2 và thứ 3 sẽ trở thành Phó Tổng thống thứ nhất và Phó Tổng thống thứ hai. Dự kiến, tân Tổng thống Myanmar sẽ nhậm chức vào ngày 1/4 tới.
5. Cảnh sát Pháp và Bỉ tiêu diệt 1 nghi phạm khủng bố
Đêm 15/3, cảnh sát Pháp và Bỉ đã tiêu diệt một nghi phạm khủng bố sau cuộc truy lùng kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ tại thủ đô Brussels.
Mọi việc bắt đầu khoảng 15h, khi cảnh sát Bỉ phối hợp với cảnh sát Pháp lục soát một căn nhà tình nghi gần đường vành đai thủ đô Brussels. Lúc đó, cảnh sát vẫn nghĩ là trong căn nhà đó không có người. Khi cảnh sát vừa mở được cửa, một loạt súng tiểu liên bất ngờ từ trong bắn ra. 3 cảnh sát bị thương trong 2 loạt đạn đầu tiên.
Khu phố ngay lập tức bị phong toả. Hơn 50 cảnh sát vũ trang có trực thăng và quân đội yểm trợ bao vây vòng ngoài, trong khi đặc nhiệm chống khủng bố tiến vào khu phố. Nghi phạm cho đến lúc này vẫn chưa biết có bao nhiêu nghi phạm đã cho nổ lựu đạn khói rồi lẩn trốn. Cho đến 17h, vẫn có tiếng súng hai bên bắn nhau. Một cảnh sát nữa bị thương. Ngay sau đó cuộc truy bắt đã diễn ra trong suốt buổi chiều tối và cho tới tận lúc này vẫn chưa kết thúc. Việc khám xét căn nhà tình nghi là một phần của cuộc điều tra có liên quan tới các vụ khủng bố tại Paris. Khi trời tối hẳn, cảnh sát mới tiêu diệt được một nghi phạm.
Chiến dịch của cảnh sát Pháp và Bỉ nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ khủng bố hồi cuối năm ngoái tại Pháp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.