COP24: Nhiều trăn trở khó vượt từ các phía

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/12/2018 13:14 GMT+7

VTV.vn - Trong khi những nước giàu muốn chuyển trách nhiệm đóng góp, các nước nhận tài trợ cũng chịu áp lực riêng tại Hội nghị COP24 đang diễn ra tại Ba Lan.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mà cả thế giới phải chung sức. Tại Việt Nam, thời tiết lạnh ở miền Bắc càng ngày đến muộn hơn. Các đợt thiên tai tại ba miền Bắc – Trung – Nam diễn biến với số lượng nhiều hơn, khó lường và dữ dội hơn. Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng... Cần làm gì trước bài toán biến đổi khí hậu hiện nay? Đây là chủ đề được phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới tuần này.

Với cộng đồng quốc tế, biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề được quan tâm. Một diễn đàn lớn của các nước tham gia Công ước khung biến đổi khí hậu đã được tổ chức mỗi năm một lần. Năm nay, Hội nghị diễn ra tại Ba Lan. Hội nghị được đánh giá là sự kiện quan trọng, bởi năm 2018 là thời điểm phải đạt được thống nhất về chương trình cụ thể trong việc thực hiện thỏa thuận Paris năm 2015.

Phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú của Đài THVN tại châu Âu cho biết, tinh thần thỏa thuận của COP21 cách đây 3 năm là các nước công nghiệp phát triển trong quá khứ đã phát thải nhiều thì giờ có trách nhiệm giải quyết bằng cách chuyển giao công nghệ và giúp đỡ nước đang phát triển. Hội nghị COP24 lần này tại Ba Lan đã đàm phán về một cơ chế chi tiết việc các nước phát triển đóng góp tài chính cho các nước nghèo như thế nào.

"Lúc này, các nước giàu tránh đưa ra cam kết cụ thể, chuyển trách nhiệm cho khối tư nhân. Vì vậy, mức đóng góp vẫn đang là đề tài tranh cãi lần này", phóng viên Lê Hồng Quang cho hay.

"Với các nước nhận tài trợ, họ có một đòi hỏi duy nhất là sự minh bạch, đòi hỏi các nước đang phát triển và nước nghèo sử dụng khoản tiền đó như thế nào, cho mục đích gì, hiệu quả tới đâu. Các nước giàu cũng tránh chuyển tiền trực tiếp mà thường thông qua tổ chức, doanh nghiệp do nước họ chỉ định. Các nước nhận tài trợ phải có trách nhiệm giải trình dự án mình sử dụng là gì, có mục đích đúng là chống biến đổi khí hậu, sau đó sẽ cùng thực thể được chỉ định thực hiện dự án. Cho tới nước này, các nước nhận tài trợ phải chịu áp lực minh bạch dự án là phòng chống hay khắc phục biến đổi khí hậu ở nước mình".

Hiện tại, khó dự đoán kết quả của Hội nghị. Sự kiện quan trọng này đang ở giai đoạn đàm phán kỹ thuật.

Với Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn là mục tiêu số 1. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ từ năm 2012 tới nay. Việc này được thể hiện thông qua hoạt động trong nước và quốc tế.

"Tại COP 24, một số quốc gia đã đề nghị bỏ phần thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng Việt Nam và các nước đang phát triển khác nêu quan điểm nếu không có thích ứng thì không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được. Ngoài ra, trong cam kết của Việt Nam còn có cả thích ứng và giảm nhẹ phát thải nhà kính. Hiện nay, nguồn lực của chúng ta tập trung nhiều cho thích ứng biến đổi khí hậu", ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích.

Theo ông Phạm Văn Tấn, phía Việt Nam làm việc tại COP24 có 3 nội dung ưu tiên: Thứ nhất là cùng với các quốc gia xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành thỏa thuận Paris; thứ 2 là nêu những nỗ lực của Việt Nam thực hiện được trong đối phó biến đổi khí hậu và thứ 3 là kêu gọi hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước