Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Báo cáo với Chủ tịch nước, Hiệp hội dệt may cho biết, năm 2013 toàn ngành đã đạt giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại 9,5 tỷ USD, tăng trưởng 18,5% so với 2012. Ngành dệt may cũng tạo hơn 5 triệu lao động trực tiếp và các ngành phụ trợ. Toàn ngành đang thực hiện chiến lược chuyển dịch các nhà máy từ các thành phố ra vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn. Đồng thời thực hiện các giải pháp chiến lược phát triển nguyên, phụ liệu và các sản phẩm cốt lõi nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết. Mục tiêu của dệt may là đạt giá trị xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD vào năm 2020. Các doanh nghiệp cũng nói lên những khó khăn như môi trường đầu tư, cơ chế ưu đãi phát triển vùng nguyên liệu, quy hoạch tổng thể ngành.
Chúc mừng những bước tiến vượt bậc của ngành dệt may vừa qua và cho rằng mục tiêu đặt ra của ngành còn thấp, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đang tìm mọi cách mở rộng thêm thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do; triển vọng của ngành dệt may rất sáng sủa, trong khi nhiều ngành nghề khác chịu áp lực lớn, do vậy dệt may cần nhận thức rõ để đạt được những thành công lớn hơn dự định, cả về xuất khẩu và tạo công ăn việc làm.
Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội dệt may và Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng quy hoạch ba trung tâm dệt may tập trung tại ba miền Bắc - Trung - Nam, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, đặc biệt chủ động khâu nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý triệt để vấn đề môi trường, từ đó phát triển
ngành dệt may có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước.