Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Mỹ vào đêm qua (12/11) theo giờ Hà Nội, Việt Nam đã nhận được số phiếu bầu cao nhất trong các quốc gia ứng cử.
‘ Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền. (Ảnh: Vietnamplus)
Với 184 phiếu bầu trên tổng số 193 phiếu hợp lệ, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận được số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc lần này.
Ông Filippe Savadogo, Đại sứ - Đại diện thường trực Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie) tại LHQ cho biết: “Phải nói rằng tôi rất hài lòng với việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền. Như thế, sức mạnh của Cộng đồng Pháp ngữ (Francofonie) sẽ được tăng cường. Tôi đã chứng kiến tất cả những nỗ lực của Việt Nam để đóng góp tích cực cho Francofonie, trong đó có lĩnh vực nhân quyền. Hoan hô Việt Nam”.
Ông Santos Sergio, Phái đoàn thường trực Brazil tại LHQ nói: “Việc Việt Nam nhận được số phiếu cao nhất trong các nước ứng cử cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế với đất nước các bạn”.
Cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ được thực hiện với hình thức bỏ phiếu kín. Việc xem xét lựa chọn của Đại hội đồng dựa trên những đóng góp của các quốc gia ứng cử trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, những cam kết tự nguyện của quốc gia đó trong lĩnh vực này. Trên thực tế, tranh cử vào hội đồng nhân quyền thường diễn ra quyết liệt vì đây là một cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính trong thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn cầu.
Ông Abdallah Al-Muallimi, Trưởng phái đoàn thường trực Saudi Arabia tại LHQ chia sẻ: “Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng sự tham gia của các bạn sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ”.
Ông Masood Khan, Trưởng phái đoàn thường trực Pakistan tại LHQ cho biết: “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà còn ưu tiên bảo vệ các quyền dân sự, văn hóa, xã hội của người dân. Việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tạo ra chất xúc tác đối với cả khu vực”.
Trong 7 năm là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động của cơ quan này, đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn như tăng cường hiệu quả của hội đồng, đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh, bình đẳng xã hội…
Ông Rolando Gomez, Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ nói: “Việt Nam có thể chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm với các nước khác… Hội đồng Nhân quyền LHQ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tạo ra mối liên kết giữa các vấn đề kinh tế xã hội với quyền con người. Trong lĩnh vực này thì rõ ràng Việt Nam đã cho thấy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo… thực sự chính là các vấn đề về quyền con người”.
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi. Nhiều bạn đến chúc mừng và có bạn nói rằng chúng tôi được đại diện cho một đất nước vĩ đại. Rất nhiều nước tin tưởng là Việt Nam sẽ đóng góp rất tốt vào công việc của Hội đồng nhân quyền mà chúng ta sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm tới”.
Hội đồng nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Tại buổi bỏ phiếu lần này, có 14 quốc gia được bầu chọn làm thành viên Hội đồng LHQ. Việt Nam là một trong 4 quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương được lựa chọn.
Việc Đại hội đồng LHQ tín nhiệm bầu chọn Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền với số phiếu cao nhất 184/193 đã phần nào cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và kết quả tích cực của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Và với việc trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp, từ đó, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho quá trình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới.