Việt Nam không phải là quốc gia cử lao động sang Hàn Quốc với số lượng lớn nhất, nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp lại ở mức cao nhất với 57% lao động phá hợp đồng bỏ trốn ra ngoài làm việc.
Đây cũng là lý do dẫn đến việc Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam 2 năm qua. Với Hàn Quốc - thị trường lao động chủ lực của Việt Nam thì việc vận động hàng chục ngìn lao động bất hợp pháp hồi hương càng trở nên cấp thiết bởi đây là yếu tố quyết định với việc mở cửa lại thị trường Hàn Quốc.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã có quy định mới trong việc xử phạt lao động Việt Nam bất hợp pháp tại nước ngoài, trong đó có thị trường Hàn Quốc, trong đó nêu rõ: Lao động Việt Nam nếu ở lại nước ngoài trái phép sau khi kết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị buộc về nước và sẽ bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, nếu người lao động Việt Nam đã có hành vi bổ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc đã ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, mà tự nguyện về Việt Nam trước ngày 11/01/2014 thì sẽ không áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên.
Liệu những biện pháp này có giải quyết được tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng hay không? Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ thế nào? Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Mời quý vị xem video chi tiết.