Toàn cảnh kỳ họp. (Nguồn: hanoi.gov)
“Nóng” vấn đề quản lý 312 ngôi biệt thự cổ Hà Nội
Việc đưa 312 biệt thự Pháp cổ ra khỏi diện quản lý của chính quyền thành phố là câu chuyện "nóng" nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại HĐND TP Hà Nội ngày 04/12. Các đại biểu cho rằng, nếu không có sự dối trá của cơ quan quản lý thì không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay và sự tùy tiện này có thể làm tài sản của Nhà nước rơi vào túi tư nhân. Các đại biểu cũng cho rằng, bảo vệ biệt thự là bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội và cả nước, tài sản đất đai của Quốc gia.
Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội. (Ảnh: Như Ý/Tiền Phong).
Bên lề kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định với báo chí, Thành phố sẽ tiếp tục bàn bạc để đi đến thống nhất việc thu hồi biệt thự của ông Hoàng Văn Nghiên, số 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Trước đó, Kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV đã khai mạc từ ngày 02/12. Trong ngày họp thứ hai (ngày 3/12), Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV nhiệm kỳ 2011-2016 đã hoàn thành việc lấy phiếu; công bố phiếu tín nhiệm 15 chức danh do Hội đồng nhân dân thành phố bầu.
Sau gần 4 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, nghiêm túc, dân chủ, ngày 5/12, kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội khóa XIV đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc.
Tính pháp lý của Taxi Uber gây nhiều tranh cãi
Taxi Uber, đặc biệt là tính pháp lý của loại dịch vụ taxi này đã gây tranh cãi trong dư luận suốt những ngày qua.
Dịch vụ taxi Uber mang đến một luồng gió mới trong lĩnh vực vận tải hành khách, khiến không ít người dân cảm thấy hào hứng bởi tính tiện lợi và giá thành hợp lý. Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống lại có cách nhìn nhận khác.
Tại Việt Nam, dịch vụ taxi Uber mới xuất hiện tại TP. HCM từ tháng 7 năm nay, nhưng đã kịp kết nối với khoảng 200 xe. Với dịch vụ này, giá đi xe thường thấp hơn 20% so với taxi bình thường và lái xe phải chạy theo lộ trình đã định sẵn bằng phần mềm.
Cho đến nay, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xử lý dịch vụ taxi này.
Vụ án TMV Cát Tường: Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường lĩnh 19 năm tù giam
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua. Sau hai ngày diễn ra phiên tòa xét xử, chiều 05/12, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 19 năm tù giam.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. (Ảnh: Dân trí)
Cụ thể, tòa tuyên án bị cáo Nguyễn Mạnh Tường nhận 14 năm tù vì tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tù vì tội xâm phạm thi thể. Tổng cộng bị cáo Tường bị kết án 19 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Tường bị cấm hành nghề 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.
Đối với bị cáo Đào Quang Khánh , do thực hiện hành vi phạm tội khi chưa thành niên nên được giảm nhẹ một phần hình phạt. Bị cáo Khánh bị xử phạt 33 tháng tù giam.
Như vậy, tính đến nay, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường đã trải qua hơn 13 tháng. Đây là vụ án phức tạp, kéo dài và luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.