PTL "Tiếng vọng từ quá khứ" sẽ để lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả truyền hình
Yêu chuộng hòa bình, thấu hiểu những bài học quá khứ cũng như giá trị của cuộc sống hôm nay là những điều dường như đã ăn sâu vào cội rễ và trở thành nét văn hóa trong cuộc sống của người dân Việt Nam - văn hóa "cho và nhận". Đó cũng là sợi dây gắn kết mỗi con người, mỗi quốc gia và mỗi dân tộc.
Bắt nguồn từ điều đó, thông điệp "Hạnh phúc nhận về là khi biết cho đi, học từ ngày hôm qua để sống cho ngày hôm nay và hy vọng cho ngày mai" sẽ được gửi đến khán giả truyền hình qua bộ phim tài liệu Tiếng vọng từ quá khứ. Đây là bộ phim được đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Ban Truyền hình Đối ngoại) thực hiện để phát sóng trong chương trình đặc biệt Ngày 30/4 trên kênh VTV4.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ phim này, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết: "Cách đây khoảng 10 năm, tôi có đọc được một bài báo với tiêu đề "Tuổi trẻ cho và nhận". Bài báo đề cập đến một triết lý và quy luật của cuộc sống: Con người sống trên đời, ai mà chẳng từng được nhận và cho. Và đó chính là tiền đề khiến tôi nảy ra ý tưởng thực hiện phim tài liệu Tiếng vọng từ quá khứ với những phân tích về văn hóa "cho và nhận" giữa những con người ở hai bên chiến tuyến trước, trong và sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
"Câu chuyện đầu tiên tôi muốn đề cập trong bộ phim của mình là về người Mỹ tình nguyện hiến tặng giác mạc, đem lại ánh sáng cho một cô gái Việt Nam - chị Thuấn. Chị Thuấn đã nhiều năm nay vẫn trang trọng thờ cúng một cô gái người Mỹ không phải là họ hàng thân thích. Câu chuyện thứ hai là về anh hùng C’lâu Nâm - huyền thoại sống của đồng bào Cơ Tu. Ông là dũng sĩ diệt Pháp, Mỹ không cần súng giữa đại ngàn; là người đi qua hai cuộc chiến tranh với những chiến công lẫy lừng khi đánh cho giặc Mỹ khiếp đảm chỉ bằng loại vũ khí thô sơ tự tạo" - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiết lộ.
Anh hùng C’lâu Nâm - huyền thoại sống của đồng bào Cơ Tu
Thông qua những câu chuyện, những nhân vật trong bộ phim tài liệu này, ý nghĩa của văn hóa "cho và nhận" sẽ dần hiện lên trước mắt khán giả.
"Nếu câu chuyện cô gái Mỹ cho đi đôi mắt của mình giúp chị Thuấn nhận lại được ánh sáng là cái “cho” đầy tình người, cái “cho” đúng với người đang “mong muốn được nhận” thì cái “cho” mà quân đội Mỹ dùng vũ lực, bom đạn tàn phá, giết hại dân thường Việt Nam là cái “cho” áp đặt. Đó là cái “cho” không văn hoá, không nhân cách, không tình người nhằm “nhận” được mục đích, lợi ích chính trị... nên cái “cho” này đã phải “nhận” sự phản kháng, lòng căm thù, sự thất bại, nỗi khiếp sợ và sự ám ảnh lương tri.
Theo mạch câu chuyện, triết lý “tảng băng chìm” trong Tiếng vọng từ quá khứ hướng khán giả tới những người dân Việt Nam, những Bà Mẹ Việt Nam đã “cho” cả tuổi thanh xuân, “cho” cả những người chồng, người con ra trận và tất nhiên chẳng người mẹ nào muốn “nhận” về mình nỗi đau mất mát hay danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Nhưng đây là cái “cho” lớn nhất để dân tộc Việt Nam được “nhận” lại hoà bình, độc lập, tự chủ" - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư lý giải thêm.
Hình ảnh trong PTL "Tiếng vọng từ quá khứ"
Để hiểu rõ hơn những ý nghĩa của văn hóa "cho và nhận" trong Tiếng vọng từ quá khứ, quý vị hãy chú ý đón xem bộ phim vào 22h00 hôm nay (30/4) trên kênh VTV4!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!