Hơn 20 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ đầu tiên trong năm 2018. Các tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt mưa lũ này phải kể tới Lai Châu, Hà Giang. Không thể chống lại thiên tai nhưng cũng không thể chấp nhận thiệt hại nặng nề về người, làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại trước các đợt mưa lũ? Đây cũng là câu hỏi được bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 25/6.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết khi nhận thông tin về cảnh báo thiên tai, chính quyền địa phương theo hệ thống ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức triển khai họp để nắm bắt tình hình diễn biến mưa lũ, sau đó phân công cho thành phần ban chỉ huy các cấp xuống địa bàn để trực tiếp chỉ đạo.
"Tuy nhiên, với những phương án ban đầu về phòng chống lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì hàng năm các tỉnh đều lập phương án, song mức độ chính xác và phù hợp thực tiễn còn gặp khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân mà khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền địa phương và người dân bị lúng túng", ông Nguyễn Văn Hải nói.
"Đối với người dân, vấn đề nhận thức cũng như kỹ năng chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt lũ quét xảy ra nhanh, sức tàn phá lớn còn nhiều hạn chế, chỉ khi có thiên tai xảy ra thì các hoạt động mới được triển khai, còn trước đó dù cảnh báo nhưng người dân vẫn chủ quan, gây nên hậu quả đáng tiếc xảy ra", ông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, với ứng phó thiên tai nói chung và lũ quét nói riêng, mọi sự chuẩn bị ban đầu rất quan trọng. Các phương án càng chi tiết thì sự thiệt hại về người càng giảm thiểu. Các địa phương có lập kịch bản ứng phó nhưng chưa bám sát thực tiễn. Nguyên nhân đầu tiên là do nguồn lực, thứ hai là phương tiện tại chỗ còn gặp khó khăn...
"Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, việc cưỡng chế sơ tán người dân khi có cảnh bão lũ xảy ra gần như chưa được xảy ra và chưa làm quyết liệt ở các địa phương", ông Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh. Hiện Tổng cục phòng chống thiên tai đang kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai tới tận cấp xã, với nòng cốt là dân quân tự vệ. Đến năm 2020, đơn vị này sẽ hoàn thành lực lượng phòng chống thiên tai tới tận cấp xã, giúp công tác ứng phó thiên tai có hiệu quả hơn hiện nay.