“Chưa thành ngôi sao, Nhã Phương đã bị cũ”

Thùy Hương-Thứ tư, ngày 10/02/2016 09:00 GMT+7

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng Nhã Phương đã không còn sự tỏa sáng của một ngôi sao như hồi cô mới tham gia đóng phim

VTV.vn - Sự tương đồng trong việc lựa chọn các vai diễn của Nhã Phương đã khiến biên kịch Trịnh Thanh Nhã đưa ra lời nhận xét này.

Trong cuộc trò chuyện với VTV News, biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của chị về phim truyền hình Việt Nam cũng như việc tìm kiếm các ngôi sao mới.

Chị có cho rằng những năm gần đây đang thiếu vắng các bộ phim truyền hình Việt Nam có sức nặng, có sức tác động mạnh đến đời sống người dân như những gì Đất và người hay Người vác tù và hàng tổng đã làm được trước đây không?

Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện nay có quá nhiều phim được phát đi phát lại trên các kênh, tạo sự chồng chéo trong nguồn tin đến với công chúng. Trên TV giờ đây cũng có quá nhiều chương trình giải trí nên sự chú ý của công chúng dành cho phim truyền hình cũng phần nào bị bão hòa.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng thường chỉ chú trọng tới việc làm nghề mà quên đi mất việc PR như một cách dẫn đường cho công chúng đến với tác phẩm của mình. Điều này xảy ra cả với hai lĩnh vực là điện ảnh lẫn truyền hình. Thành ra, nếu nói bây giờ không có những phim tạo ra hiệu ứng xã hội lớn như cách Đất và người đã làm thì chúng ta cần phải tính đến thời điểm ra đời của bộ phim ấy. Đất và người ra đời từ đầu những năm 2000, khi các phương tiện giải trí còn chưa phổ biến. Còn giờ đây, mọi chuyện đã khác.

Các bộ phim hiện nay cũng có hiệu ứng xã hội chứ không phải không. Tuy nhiên, tiếng vang của chúng bị chìm lấp giữa bao nhiêu hứng thú khác. Bà con xem thì vẫn cứ xem, có người thích, có người thờ ơ. Thế nhưng, có thể nói, các bộ phim vẫn cần sự quan tâm của báo chí, của giới truyền thông để tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn.

Nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, nhiều bộ phim đã mời những hot boy, hot girl nổi tiếng góp mặt. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ không được đào tạo bài bản và diễn xuất còn khá non tay. Chị nghĩ sao về điều này?

Nhu cầu làm phim để có được một đầu ra tốt, một rating cao là điều hiển nhiên và để làm được điều đó, các nhà sản xuất phải mượn đến nhiều phương thức khác nhau. Điều tôi cảm thấy chưa được thỏa mãn lắm, đó là những bộ phim có thể gây chú ý về mặt chuyên môn lại không mượn đến những phương thức ấy để quảng bá. Các nghệ sĩ nên tập trung vào tác phẩm còn các nhà sản xuất nên đầu tư hơn vào những cách thức quảng bá cho tác phẩm. Anh làm một tác phẩm tốt nhưng cần phải cho người ta thấy cái tốt của anh chứ!

Phim truyền hình Việt giờ đây có sự xuất hiện của nhiều hot boy, hot girl
Phim truyền hình Việt giờ đây có sự xuất hiện của nhiều hot boy, hot girl

Tôi thấy những bộ phim giải trí đơn thuần khác dùng tới hot boy, hot girl hoặc thậm chí cả scandal cũng không có gì đáng chê trách cả, bởi họ có nghĩa vụ đối với đồng tiền họ bỏ ra, họ phải thu hồi vốn, họ phải an toàn để còn tái đầu tư. Chuyện đó là hoàn toàn tự nhiên, không thể đổ lỗi cho họ được. Đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao có nhiều bộ phim nội dung tốt nhưng lại không sử dụng phương tiện này? Có phải chúng ta thấy các bạn trẻ đó không đủ năng lực nên không giao vai diễn cho họ?

Tôi nhớ ngày xưa có một thời gian dài, người ta đã thừa nhận rằng bộ phim làm nên ngôi sao chứ ngôi sao không làm nên bộ phim. Thế nhưng, những bộ phim chúng ta thực hiện cũng không chọn một gương mặt nổi bật để đầu tư trọng điểm, để tạo nên ngôi sao cho riêng mình. Rất nhiều người khi bước vào nghề đâu phải là ngôi sao nhưng nhờ một bộ phim nào đó, họ tỏa sáng và trở thành một diễn viên tên tuổi, như bây giờ người ta hay gọi là “có số có má”.

Để tạo ra được một ngôi sao như vậy, đạo diễn phải dày công lắm. Ngay cả những diễn viên lão thành, những người đã rất lành nghề rồi nhưng nếu đạo diễn chỉ nhìn theo thói quen và cho rằng anh A chỉ xứng đáng vai này, chị B chỉ xứng đáng diễn vai kia mà không thử nghiệm họ trên những mảnh đất mới thì họ khó có thể trở thành một ngôi sao. Một bộ phim tốt là một bộ phim có thể tạo nên một ngôi sao. Ngôi sao ấy phải có đủ bản lĩnh để thử nghiệm bản thân, biến ảo khôn lường trong những loại vai diễn khác nhau. Đây một lần nữa là câu chuyện của sự mạo hiểm, phiêu lưu của các đạo diễn.

Hiện nay có ngôi sao mới nổi nào chị chú ý đến không?

Trong các bộ phim hiện nay, tôi vẫn nhìn thấy sự an toàn. Các đạo diễn, các nhà sản xuất vẫn đang lựa chọn những phương án an toàn thay vì đầu tư tìm kiếm những gương mặt mới.

Liệu điều này có phải vì kịch bản phim cũng quá an toàn?

Không đâu. Tôi cho rằng kịch bản phim trong năm 2015 khá táo bạo. Tuy nhiên, việc làm nên một ngôi sao cần tới sự nhạy cảm và mạo hiểm của đạo diễn. Nhìn chung, các phim hiện nay không có gì đáng chê trách về mặt diễn xuất nhưng lại quá an toàn trong vấn đề casting. Đó là một trong những điều tôi cảm thấy đáng tiếc. Tất nhiên, có những vai diễn cần một gương mặt lão luyện đảm nhận, thế nhưng chúng tôi vẫn mong muốn và chờ đợi sự lóe sáng của các diễn viên mới.


Nhã Phương trong phim Tuổi thanh xuân

Nhã Phương trong phim Tuổi thanh xuân

Hiện nay, tôi thấy Nhã Phương là một diễn viên đang nổi và là một gương mặt ăn khách. Tuy nhiên, khán giả lại quá quen với việc nhìn Nhã Phương trong một vai nữ nhí nhảnh, dễ thương. Từ phim Tuổi thanh xuân, Người đứng trong gió cho đến Khúc hát mặt trời, Nhã Phương vẫn diễn cùng một tông, cùng một trạng thái nhân vật. Nếu bất cứ phim nào có vai diễn kiểu như vậy lại tuyển Nhã Phương thì cô ấy sẽ rất nhanh chóng bị “mòn” đi. Khi bị “mòn” đi, cơ hội trở thành ngôi sao cũng rơi rụng dần.

Nếu diễn viên có một chút kinh nghiệm thì sẽ biết cách lựa chọn những vai diễn không bị lặp lại. Nhã Phương có gương mặt rất dễ thương nhưng không biết khi vào vai khác, cô ấy sẽ thể hiện như thế nào. Sau khi xem qua vài ba bộ phim Nhã Phương tham gia, tôi bắt đầu thấy cô ấy không còn là ngôi sao như lúc đầu nữa. Cũng có thể nói, chưa thành sao thì Nhã Phương đã bắt đầu bị cũ rồi.

Thời gian qua, trên sóng truyền hình có khá nhiều bộ phim hợp tác, từ Tuổi thanh xuân đến Khúc hát mặt trời. Liệu đây có phải là một xu hướng không, thưa chị?

Nếu phim hợp tác trở thành một xu hướng thì tốt. Thông thường, có khá nhiều dòng phim, ví dụ như phim giải trí, phim chính luận… Mỗi đối tượng khác nhau lại có một dòng phim khác nhau. Vì vậy, có thể tạm coi phim hợp tác là một dạng phim. Tuy nhiên, phim hợp tác cũng sẽ trở nên cũ mòn nếu trong đó không có sự hòa quyển bản sắc dân tộc của hai quốc gia. Ngay cả trong Tuổi thanh xuân – một bộ phim được các bạn trẻ yêu thích, họ yêu thích bộ phim này là vì được nhìn thấy trai xinh gái đẹp Hàn Quốc nhiều hơn là vì câu chuyện, bởi câu chuyện không chuyển tải được hai bản sắc dân tộc hòa hợp với nhau như thế nào. Nếu cứ loanh quanh ở chuyện trai xinh gái đẹp và những chuyện đậm chất Hàn Quốc như ốm đau, bệnh tật, khóc sướt mướt thì phim hợp tác cũng sẽ lại nhanh chóng trở nên cũ mòn.

Có một thực tế là phim Hàn Quốc dù ướt át, sướt mướt nhưng khán giả Việt vẫn cứ thích xem…

Bởi vậy, nghĩa vụ của người làm phim là phải làm cho khán giả nhận diện lại gu thẩm mỹ của mình. Nếu khán giả thích trai xinh gái đẹp, thích những câu chuyện đậm chất Hàn Quốc thì chúng ta cũng có thể cho khán giả điều đó. Thế nhưng, nếu muốn tạo ra được những bộ phim dòng chủ lưu có khả năng quyến rũ, định hướng và nâng cấp gu thẩm mỹ của khán giả thì cần có sự hỗ trợ bằng những phương tiện khác nhau, trong đó có ngôi sao, truyền thông, công nghệ…

Chị kỳ vọng điều gì ở phim truyền hình Việt trong năm 2016?

Hiện nay, chúng ta cứ trách khán giả chỉ thích phim Hàn Quốc, phim Âu Mỹ trong khi chúng ta đâu đưa được cho họ những “món ăn” tốt. Hoặc có đưa nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả. Tôi mong rằng bề dày, độ sâu cũng như mức độ chảy xiết của dòng phim chủ lưu sẽ mạnh lên. Chỉ có khi ấy, phim chủ lưu mới có khả năng tìm được khán giả.

Cảm ơn chị về những chia sẻ này!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước