Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền UPR của Hội đồng nhân quyền LHQ là một cơ chế đối thoại đa phương mang tính tự nguyện. Các quốc gia tham gia cơ chế này với tinh thần thiện chí nhằm mục tiêu cao nhất là để bảo vệ và thúc đẩy các vấn đề nhân quyền trong nước.
Đoàn Việt Nam cũng đã giải đáp việc không chấp thuận một số khuyến nghị do chưa phù hợp với chính sách pháp luật và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Việt Nam đã không chấp thuận hơn 1/5 số khuyến nghị yêu cầu Việt Nam ngay lập tức gia nhập hoặc phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế hoặc nghị định thư tùy chọn, bao gồm Quy chế Rome, Công ước UNESCO 1960, công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục…
Việc hoàn chỉnh nghiên cứu và chuẩn bị tham gia các công ước này chưa nằm trong kế hoạch thực hiện của Việt Nam tại chu kỳ 3.
Trong số các khuyến nghị mà Việt Nam không chấp thuận, các yêu cầu liên quan đến án tử hình là một vấn đề được rất nhiều nước quan tâm, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu. Bỏ hoàn toàn án tử hình vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Quá trình giảm các tội danh phải chịu án tử hình trong bộ Luật Hình sự của Việt Nam luôn được chú trọng. Trên tinh thần nhân đạo, từ bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 1997 với 44 tội danh chịu án tử hình, bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 chỉ còn 18 tội danh phải chịu án tử hình.
Không chấp thuận các khuyến nghị không có nghĩa rằng một quốc gia sẽ hoàn toàn bác bỏ vấn đề nhân quyền đó. Việc xem xét chấp thuận hay không chấp thuận khuyến nghị, phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế trong nước, thời gian và tính khả thi của việc hoàn thành khuyến nghị đó trong một chu kỳ UPR.
Tinh thần thiện chí và những kết quả thực tế mà Việt Nam đã đạt được chính là minh chứng lớn nhất cho những cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!