Việt Nam bảo đảm quyền con người trong hoạt động điều tra, tố tụng

Nguyễn Nam - Chu Chỉnh (VTV4)-Thứ bảy, ngày 29/11/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua "Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (Công ước chống tra tấn).

Điều này không chỉ có ý nghĩa Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà còn cho thấy Nhà nước Việt Nam sẽ đảm bảo quyền con người trong các hoạt động điều tra, tố tụng.

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang bị kết án oan với mức án chung thân năm 2004 được cho là do có yếu tố cán bộ điều tra, công tố và xét xử sai phạm, “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, bức cung và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các chuyên gia luật nghiên cứu về quyền con người cho rằng, trong tương lai, những vụ án như vậy có thể sẽ không còn xảy ra khi Việt Nam thông qua Công ước của LHQ về chống tra tấn.

Theo GS, TS Nguyễn Đăng Dung, các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự của Việt Nam sẽ phải điều chỉnh phù hợp với công ước, đảm bảo, tôn trọng quyền con người trong hoạt động điều tra, tố tụng và xét xử.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Giám đốc Dự án Trung tâm Quyền con người cho biết: “Việc phê chuẩn thể hiện quyền con người ở vấn đề nhạy cảm là chống tra tấn, nhục hình. Việc Quốc hội thông qua cho thấy không chỉ ký kết mà còn đưa công ước vào đời sống xã hội”.

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Công Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển cho biết: “Để đảm bảo công ước này, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật từ tố tụng hình sự, hình sự. Việc điều tra, xét xử phải minh bạch. Giai đoạn thi hành án thì các việc tạm giam, giam giữ cũng phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng, được quy định bằng pháp luật”.

Khi thông qua công ước này, Việt Nam không chỉ đảm bảo quyền con người trong hoạt động điều tra, tố tụng trong nước, mà còn có thể đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho công dân của mình ở nước ngoài nếu họ có liên quan tới việc điều tra, xét xử tại một quốc gia khác cũng là thành viên của công ước.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vinh, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngoài việc hợp tác về đào tạo, chúng ta cũng có quyền yêu cầu các thành viên khác tuân thủ quy định của công ước. Ví dụ công dân Việt Nam là đối tượng của những hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo ở nước ngoài, trong trường hợp đó, chúng ta có quyền lên tiếng và đó là cơ sở pháp lý để bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài”.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước cốt lõi về con người của LHQ và hiện là thành viên Hội đồng nhân quyền của LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Thông qua công ước chống tra tấn, Việt Nam không chỉ dừng lại ở cam kết chính trị, mà còn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước