COVID-19 tác động thế nào đến sức khỏe tâm thần học đường?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 28/03/2022 20:30 GMT+7

VTV.vn -Do dịch COVID-19, trẻ không được đến trường trong một thời gian dài, bị thay đổi nề nếp sinh hoạt không như mong muốn có thể gây ra nhiều vấn đề tâm lý.

Ba năm học bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên và ngay cả các nhà quản lý trong trường.

Chuyên gia tâm lý - TS. Lê Phương Hoa, Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho rằng ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây tổn thương sức khỏe tâm thần đối với học sinh và giáo viên.

Bản thân đại dịch đã là một yếu tố tác động đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên, thậm chí trong nhiều năm tới. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Những rối loạn tâm thần mà trẻ có thể gặp phải do ảnh hưởng của COVID-19 bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt, có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.

Việc trẻ không được đến trường trong một thời gian dài, các mối quan hệ với bạn bè và giao tiếp xã hội bị gián đoạn, được đánh giá có thể tiếp tục gây ra nhiều vấn đề tâm lý hơn. Việc trẻ phải học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, thiếu linh hoạt, bị động, thiếu vận động, giao lưu, tương tác, không được chủ động quyết định cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực…

Đối với giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn công việc quá gấp, khối lượng công việc quá tải…khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm…

Do vậy, thời gian đến, chính quyền các cấp nên ưu tiên mở lại các trường học và thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giữ an toàn cho các lớp học. Việc thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, giãn cách tại các trường học đang là giải pháp căn cơ nhất để thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Chuyên gia cũng khuyến cáo cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy dành thời gian ở bên trẻ, cùng con tận dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích bằng cách lên thời gian biểu cho mọi hoạt động học tập, vui chơi, kết nối với bạn bè, rèn luyện sức khoẻ. Và điều quan trọng nhất là bản thân cha mẹ cũng cần kiểm soát cảm xúc, tránh để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến trẻ, luôn giữ tinh thần tích cực để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Phụ huynh loay hoay gỡ rối tâm lý cho con khi ở nhà mùa dịch Phụ huynh loay hoay gỡ rối tâm lý cho con khi ở nhà mùa dịch

VTV.vn - Không có bạn bè, không được vui chơi ở ngoài không gian rộng rãi, phải học với máy tính hàng giờ, điều khiến nỗi lo tâm lý bất ổn ở trẻ gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước