Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Mọi hành động đều vì nhân dân

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 02/08/2021 21:06 GMT+7

VTV.vn - Trước những diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, dốc toàn lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng hành của nhân dân và doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng đã liên tiếp có những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, kịp thời trong phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong 2 tuần gần đây, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, hoạt động rất quan trọng.

Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần thứ 2 ra Lời kêu gọi cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Còn trong tuần trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác chống dịch và thăm hỏi, động viên chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Mọi hành động đều vì nhân dân - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dành sự quan tâm đặc biệt về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành, ủng hộ rất cao cho Chính phủ, trong đó Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV ban hành cuối tháng 7 đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số giải pháp cấp bách, biện pháp đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự tập trung cao nhất, trên tinh thần lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu và trách nhiệm cao nhất trước nhân dân để đưa ra những quyết định, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nhằm giải quyết nhiều vấn đề khẩn cấp đang đặt ra trong thực tiễn phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó thì việc yêu cầu ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang là điểm nóng của dịch COVID 19 là một quyết định rất kịp thời.

Thay đổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 phù hợp với tình hình dịch

Thay vì phải mất nhiều thời gian đăng ký, thăm khám, sàng lọc trước khi tiêm, nay người dân tại TP Hồ Chí Minh chỉ cần vài phút để hoàn thành các quy trình đó trước khi tiêm. Việc quy trình được rút ngắn là nhờ trước khi đi tiêm, người dân đã thực hiện việc đăng ký tại địa phương. Bên cạnh đó, TP đưa các đội tiêm chủng lưu động vào hoạt động để tăng tốc độ tiêm vaccine cao hơn, phấn đấu 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 trong tháng 8.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Mọi hành động đều vì nhân dân - Ảnh 2.

Điểm tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Một điểm thay đổi nữa mà TP Hồ Chí Minh áp dụng cho chiến lược tiêm vaccine là từ người yếu thế, người trên 65 tuổi, TP đã chuyển sang tiêm đại trà, cuốn chiếu theo từng địa bàn. Đáng chú ý, TP sẽ tiêm không ràng buộc đối tượng phải có hộ khẩu tại TP. Cách làm này sẽ giúp TP kiểm soát và đẩy nhanh được độ bao phủ vaccine trên diện rộng.

Theo Sở y tế TP Hồ Chí Minh, trong đợt tiêm thứ 5 này, tính đến hết ngày 1/8, TP đã tiêm được gần 768.000 người, nâng tổng số người được tiêm tại TP lên gần 1,5 triệu người. Riêng ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh đã có thêm gần 145.000 người được tiêm, một phần nhờ triển khai các đội tiêm lưu động.

Hình thức tiêm lưu động đã đáp ứng các đối tượng đặc biệt như doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, khu vực phong toả. Bên cạnh đó, TP đã huy động tối đa các lực lượng tiêm chủng, từ lực lượng y tế công đến tư, các bệnh viện khám chữa bệnh để sao cho tiếp cận càng nhiều người dân càng tốt.

Tiếp tục hỗ trợ người ngoại tỉnh ở lại thành phố

Một trong những yêu cầu cấp thiết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng đã yêu cầu tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng; bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt không để thiếu ô xy y tế và máy thở.

Ngày 1/8, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Mọi hành động đều vì nhân dân - Ảnh 3.

Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh, Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam của Bộ Quốc phòng vận chuyển, phân chia quà cho công nhân lao động gặp khó khăn đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố. Ảnh: TTXVN

Trong công điện gần nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo những giải pháp hết sức cụ thể, giải quyết những vấn đề cấp bách, nóng bỏng nhất đang đặt ra trong công tác phòng chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bằng mọi biện pháp để "ai ở đâu ở đấy" với những nơi đang thực hiện nguyên tắc Chỉ thị 16, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách.

Với những người dân đã rời khỏi tỉnh, thành phố đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn, bàn giao đầy đủ, tổ chức xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm đời sống của người dân, hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.

Là chủ của 66 phòng trọ với đa phần là công nhân nghỉ việc cả tháng nay vì dịch bệnh, hành trình quen thuộc của ông Sáu Lẹ là phân bố từng phòng nhận hỗ trợ từ chính quyền xã Long Thới, huyện Nhà Bè hay từ các đoàn thể xã hội. Quà tặng là thực phẩm thiết yếu, giá trị không cao nhưng đầy ý nghĩa vì đến đúng lúc.

Mỗi ngày, cả ngàn cuộc điện thoại và tin nhắn được chuyển đến tổng đài hỗ trợ tại Ủy ban MTTQ thành phố, chưa kể số cuộc gọi đến tổng đài 1022 và các đường dây nóng tại quận huyện. Thông tin không khỏi tránh trùng lắp, dẫn đến quá tải cả về tiếp nhận lẫn đi xác minh để kịp thời xử lý. Chính vì vậy, từ nền tảng các chương trình được triển khai tại các địa phương, TP Hồ Chí Minh sẽ có một trung tâm hỗ trợ an sinh xã hội với đầu mối chính là Mặt trận tổ quốc hoạt động trong tổng thể khoa học và nhịp nhàng hơn.

Liên tiếp có các gói hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh

Không chỉ đảm bảo an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tiếp có chỉ đạo về việc giảm giá điện, nước và giá cước viễn thông cho người dân trong vùng giãn cách xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã quyết định giảm giá điện. Còn trong chiều 2/8, Bộ TT-TT cùng với các doanh nghiệp viễn thông đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông sẽ được triển khai trong 3 tháng tới đây lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Theo đó, đối với khách hàng trên toàn quốc tiếp tục hỗ trợ tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi; cộng thêm 50% dung lượng dữ liệu cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với giá không đổi; hỗ trợ, giảm giá tới 50% đối với một số gói cước dữ liệu. Các khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được tặng 50 phút gọi nội mạng. Thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục chung tay cùng Bộ TT-TT ra mắt 17 nền tảng mới hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch.

Còn cách đây 2 ngày, Chính phủ đã có Nghị Quyết thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho người dân tại các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo phương án đề ra, khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt dưới 200 kWh/tháng, sẽ được giảm 15% tiền điện trước thuế VAT, khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng, sẽ được giảm 10%, cho kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9 năm nay. Đối với các cơ sở cách ly y tế tập trung, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ giảm 100% tiền điện trong kỳ hóa đơn 07 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay.

Cung với các ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp đồng bộ và chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như hoãn giãn các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm phí thanh toán như phí giao dịch trên ATM, phí chuyển khoản liên ngân hàng và nhiều giải pháp chính sách khác. Còn gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng vừa qua đã phần nào giúp người dân giảm bớt ít nhiều khó khăn trước mắt.

Các chuyên gia đánh giá việc liên tục đưa ra những chương trình hỗ trợ, dù kinh tế đất nước còn nghèo, nguồn lực còn hạn chế, cho thấy sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ và san sẻ của Chính phủ với một phần khó khăn vất vả mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải.

Số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh đang giảm

TP đã có gần 35.000 ca nhiễm COVID-19 được xuất viện.

Bộ Y tế đã điều các bệnh viện hạng đặc biệt tuyến trung ương thiết lập 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh, tăng số giường hồi sức tích cực bệnh nhân nặng lên 3.000 giường.

Hệ thống cấp cứu cũng được huy động tăng thêm 300 xe, cùng 100 tình nguyện viên trực tổng đài, đảm bảo bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Các chuyên gia đánh giá TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước