Khai thác đá ảnh hưởng cuộc sống hàng trăm người dân

Mạnh Cường-Thứ bảy, ngày 25/11/2023 05:43 GMT+7

VTV.vn - Hàng nghìn hộ dân ở những khu vực có mỏ khai thác đá đang phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm xuất phát từ việc khai thác, vận chuyển đá rầm rộ ngày đêm.

Điển hình như tại xã Cao Dương, nơi có đến 18 mỏ khai thác đá trên tổng số 35 mỏ được cấp phép của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, những mỏ đá đang phục vụ nhu cầu làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng ngày càng lớn của Hà Nội và Hòa Bình.

Khi màn đêm chuẩn bị buông xuống, những âm thanh nổ mìn liên tục vang lên. Bắt đầu từ điểm giao cắt với đường Hồ Chí Minh, trải dài khoảng 2 km, 6 mỏ khai thác, chế biến đá hoạt động đến tận 22 h đêm. Hàng trăm ô tô các loại chạy rầm rập trên con đường này đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân.

Nhà nằm ngay cạnh con đường vận chuyển đá của các mỏ này, cứ khi đêm đến là những lần tiếng ồn từ vận chuyển đá, và bụi bay mù mịt khiến chị An và các gia đình khác ở xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, quanh năm phải đóng cửa.

"Đường xấu, lúc nào cũng bẩn. Xe lúc nào cũng dính nhiều bùn đất, 1 - 2 tuần em phải đi sửa phanh một lần", chị Bùi Thị An, xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, chia sẻ.

Khi trời trở sáng, càng thấy rõ tình trạng bụi tại đây diễn ra nghiêm trọng như thế nào. Những lá cây đã bám bụi nhiều tháng nay do ảnh hưởng từ việc khai thác, vận chuyển đá tại các mỏ khai thác đá ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gần 100 hộ dân tại đây.

Khai thác đá ảnh hưởng cuộc sống hàng trăm người dân - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp khai thác đá không tuân thủ các biện pháp khai thác cắt tầng để đảm bảo an toàn.

Xen lẫn giữa các mỏ đá được cấp phép, hàng trăm người dân tại đây vẫn cùng sinh sống. Nhiều kiến nghị lên các cấp chính quyền về ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều mỏ đá vi phạm hành vi bảo vệ môi trường

Kết quả kiểm tra mới đây của đoàn liên ngành, gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã cho thấy nhiều mỏ đá tại khu vực huyện Lương Sơn đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đặc biệt là chưa tuân thủ quy định để giám sát khối lượng đá nguyên khai được khai thác hàng ngày.

Những hình ảnh được chị Huế và những người dân xóm Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn ghi lại cách đây ít ngày. Tiếng nổ mìn rung chuyển cả ngôi nhà. Gia đình chị nằm trong bán kính khoảng 250 m, thấp hơn 50 m so với khoảng cách 300 m theo quy định để đảm bảo an toàn khi nổ mìn của mỏ đá.

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các mỏ đá này, có những mỏ nằm sát nhà của các hộ dân, nơi bán kính cách chưa đến 300 m. Các hộ dân này đều không được tham vấn ý cộng đồng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều người dân bất ngờ khi các mỏ đá được cấp phép và đi vào hoạt động ngay cạnh nhà dân.

"Những ý kiến của người dân cũng như của các cấp chính quyền phải được phản ánh phải được ghi vào trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng tôi thấy thiếu ý kiến của người dân", ông Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân xung quanh và dọc đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã này.

Nhiều doanh nghiệp khai thác đá cũng không tuân thủ các biện pháp khai thác cắt tầng để đảm bảo an toàn. Trạm cân đá nguyên khai cũng chưa được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng quy định của Luật Khoáng sản để giám sát quá trình thực tế lượng đá mà doanh nghiệp khai thác được hàng ngày.

Thiếu nguồn thu từ hoạt động khai thác đá

Những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc các vi phạm liên quan đến an toàn trong khai thác đá ở Hòa Bình cũng là câu chuyện chung ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Một thời kỳ các mỏ này hầu hết đều được thực hiện theo cơ chế xin - cho, dẫn đến tình trạng trong một xã nhưng có đến hàng chục mỏ khai thác đá.

Luật Khoáng sản năm 2010 ra đời cũng đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản. Tuy vậy, trong quá trình triển khai đã bộc lộ những vấn đề cần sửa đổi. Ví dụ như Quy định về sử dụng nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương chưa được quy định cụ thể trong luật, dẫn đến tình trạng nhiều nơi có khoáng sản nhưng thiếu nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, hơn 2 năm gần đây, địa phương này chưa nhận được bất kỳ một khoản kinh phí đóng góp nào từ các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn để xử lý vấn đề môi trường.

Với UBND huyện Lương Sơn, nguồn thuế tài nguyên và phí môi trường được tỉnh Hòa Bình điều tiết trở lại chỉ là hơn 8 tỷ đồng. Trong đó có đến 1/4, tức hơn 2 tỷ đồng, được huyện dùng cho công tác tưới để giảm thiểu bụi ở khu vực đường Hồ Chí Minh qua địa bàn.

Cũng trong tình trạng tương tự như ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình, tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, một huyện nhưng có đến 100 mỏ khai thác đá, tập trung nhiều ở các xã Châu Tiến, Châu Hồng. Từ năm 2021 trở về trước, địa phương không nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào từ hoạt động khai thác khoáng sản để tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và sửa chữa đường xá.

Tỷ lệ lao động của xã Châu Hồng làm việc cho các đơn vị khai thác khoáng sản chỉ là 20%. Nhiều nông dân chắc chắn không đủ trình độ và kỹ năng để làm việc ở các công đoạn khai thác khoáng sản đòi hỏi tay nghề cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ hơn 30% xuống còn trên 20%, nhưng đại bộ phận người dân ở huyện Quỳ Hợp vẫn còn nhiều khó khăn, dù ở đây có nhiều mỏ khai thác khoáng sản các loại.

Giám sát hoạt động khai thác đá

Thực tế ở nhiều địa phương như Nghệ An, Hòa Bình..., khai thác đá làm vật liệu xây dựng là nhu cầu tất yếu để phục vụ xây dựng hạ tầng ở các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên để đảm bảo hoạt động này không tác động tiêu cực đến môi trường, các cơ quan chức năng rõ ràng cần giám sát chặt chẽ quá trình khai thác, bên cạnh đó cũng cần có cơ chế để có nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp cho xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường, ổn định đời sống người dân. Đây cũng là một giải pháp quan trọng đang được các cơ quan chức năng nhiều địa phương tiếp tục triển khai.

Người dân sống thấp thỏm quanh mỏ khai thác đá Người dân sống thấp thỏm quanh mỏ khai thác đá

VTV.vn - Người dân sống quanh mỏ khai thác đá tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình thấp thỏm lo lắng vì nguy hiểm có thể rình rập ngay cạnh nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước