Luôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 01/09/2020 20:02 GMT+7

VTV.vn - Từ nay đến cuối năm, các bộ có liên quan và các địa phương phải sẵn sàng và chủ động ứng phó với thiên tai.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc chiều 1/9 với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để xử lý một số vấn đề cấp bách.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, 76 thông báo về động đất và dư chấn, trong đó, một trận động đất có độ lớn tới 5,3 richter. Ở 46 tỉnh, thành đã xảy ra 228 trận dông lốc, mưa đá. 8 tháng qua, thiên tai đã làm 78 người thiệt mạng và thiệt hại 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, 2 tháng trở lại đây, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Myanmar đều có mưa lớn lịch sử làm hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại ở riêng Trung Quốc đã lên đến gần 26 tỷ USD.

Cách đây 4 ngày, siêu bão Ba Vì đã với sức gió lên đến trên 130km/h đã đổ bộ vào Triều Tiên gây ra nhiều thiệt hại. Trước đó, bão đã quét qua miền Nam Hàn Quốc phá hủy nhiều tài sản và làm hư hại hơn 100 công trình.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện nay, miền Bắc đã bước vào thời kỳ lũ muộn nhưng vẫn phải sẵn sàng ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Các tỉnh Trung Bộ cũng phải sẵn sàng ứng phó với bão mạnh và lũ lớn từ nay đến cuối năm.

Trong khi đó, do lượng nước sông Mekong đang bị thiếu hụt khoảng 40 - 50% nên có thể đến tháng sau, lũ trên sông Cửu Long chỉ ở mức báo động số 1 và sau 2 tháng nữa có thể bắt đầu xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Luôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp sáng 1/9. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một nước "sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa", nên suốt 2 tháng qua mưa, lũ và bão tại các nước Đông Bắc Á khiến Chính phủ rất lo ngại, mặc dù Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có chỉ đạo kịp thời để ứng phó với mưa lớn gây lũ quét ở Hà Giang cách đây hơn 1 tháng và 4 cơn bão đi vào Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với mưa bão có thể đến muộn với khoảng từ 3 - 4 cơn nữa ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhất là khu vực Trung và Nam Bộ từ nay đến cuối năm, cùng với lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tổng Cục khí tượng Thủy văn phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo mưa, lũ và bão chính xác, kịp thời.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cấp, các ngành, các địa phương đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, nhất là phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Các địa phương phải tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư cùng với rà soát phương án sơ tán dân cư khi có bão, lũ để bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai cũng như phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, nhất là các vị trí công trình trọng điểm, xung yếu bị hư hỏng, đặc biệt, phải đề phòng mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày như ở một số nước để tránh bị động, bất ngờ.

Thủ tướng giao các bộ chỉ đạo giám sát, tổ chức vận hành an toàn hồ đập, nhất là hệ thống hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà, các hồ chứa nước có dung tích lớn, các hồ đập xung yếu, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa không bảo đảm an toàn, tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, đồng thời phải có hệ theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện ngay các dự án cấp bách về phòng chống thiên tai từ nay đến cuối năm, trong đó có dự án xử lý sạt lở đồi Ông Tượng và sạt lở bờ sông Đà ở khu vực phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, đồng thời hỗ trợ tỉnh Nam Định hoàn thành nốt kè Quy Phú ở đê hữu Hồng huyện Nam Trực.

Cách đây hơn 4 năm, khi nước lũ lên cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới kiểm tra đoạn đê xung yếu nhất trên tuyến đê cấp 1 này. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát và đưa vào danh mục đầu tư trung hạn 5 tới các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Động đất liên tiếp tại Mộc Châu, Sơn La có gì bất thường? Động đất liên tiếp tại Mộc Châu, Sơn La có gì bất thường? Sạt lở nghiêm trọng tại đê biển Tây Sạt lở nghiêm trọng tại đê biển Tây Lai Châu thiệt hại hàng tỷ đồng do mưa lũ, sạt lở đất Lai Châu thiệt hại hàng tỷ đồng do mưa lũ, sạt lở đất

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước