Đây là những vụ phá thai to, khi đã 7-8 tháng, thực hiện ở các phòng khám tư nhân mà không hề có yêu cầu của bác sĩ. Thai nhi khi đó mang một cơ thể hoàn thiện, hoàn toàn có thể khỏe mạnh sau khi đuợc sinh ra nhưng bị tước đi quyền sống.
Hành động này không chỉ gây tranh cãi về góc độ đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, một khía cạnh rất đau lòng liên quan tới việc phá thai chui tại các phòng khám tư nhân.
Nỗi ám ảnh của nhân viên y tế
Những ca phá thai to để lại nỗi ám ảnh không thể quên với nữ nhân viên y tế.
Lo lắng, cắn rứt, ăn năn... tất cả những cảm xúc ám ảnh nhất đều được một nhân viên y tế từng tham gia phá thai miêu tả lại.
Ám ảnh đến tội lỗi, nữ nhân viên y tế trong câu chuyện trên đã nghỉ việc ở phòng khám để không còn phải tham gia vào những ca nạo phá thai to. Đó là lời chia sẻ từ những người trực tiếp thực hiện thủ thuật nạo phá thai. Còn những người mẹ, những người bắt thai nhi chịu hậu quả từ hành động thiếu cân nhắc của mình thì cảm thấy gì?
Những "sự sống" bị vứt bỏ
Những cái ôm âu yếm, đôi bàn tay bàn chân nhỏ xíu, đôi môi thơm mùi sữa… Tất cả đều chỉ là giấc mơ đối với cô gái trẻ này. Đáng lẽ ra con trai cô hôm nay cũng đã đủ ngày đủ tháng, được mẹ sinh ra như bao em bé khác. Thế nhưng, người mẹ phá thai lúc thai nhi 28 tuần tuổi khi chưa ly hôn chồng nhưng có con với người ngoài nên gia đình bắt bỏ. Vì những lý do ấy, cô đã phải từ bỏ đứa con đã được 7 tháng trong bụng.
Mới đầu mẹ cô chọn phòng khám nhưng họ đưa ra viện, bác sĩ trong viện lại đưa ra spa trá hình chuyên nạo phá thai. Cô được uống thuốc, truyền, tiêm thuốc kích sinh non để mình có cơn co, ép bụng để đẻ như bình thường. Cô chỉ kịp nhìn thấy chân em bé trước khi bé được đưa đi.
Người mẹ vẫn luôn cảm giác tội lỗi với đứa con bị chính mình từ bỏ.
Thật ra, bé trai vẫn còn sống sau ca nạo phá thai. Bé được nhóm bảo vệ sự sống thai nhi đưa đi điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Hà Nội. Tuy nhiên, bé qua đời 3 ngày sau đó, do được sinh ra trong điều kiện không đảm bảo và trước đó người mẹ đã uống loại thuốc dùng để phá thai.
Mặc dù đã sắm sửa đầy đủ đồ cho bé nhưng sau khi phải buộc bị bỏ thai. Em người mẹ này đã rất day dứt và cảm giác tội lỗi với sinh linh bé bỏng.
Không phải thai nhi nào ra đi cũng giữ được thân thể nguyên vẹn. Đối với những thành viên nhóm Bảo vệ sự sống thai nhi Việt, họ sợ nhất là khi phải nhận thai nhi lớn tuổi từ những phòng khám nhỏ.
Những thai nhi đã lớn tới mức có thể mặc được những bộ quần áo sơ sinh. Và giờ đây, các bé sẽ được mặc những bộ quần áo ấy để sang thế giới bên kia.
May mắn không trọn vẹn của những thai nhi "được sống"
Những sự ăn năn của các nhân viên y tế hay những người mẹ này cũng không đem lại kết cục tốt hơn cho những thai nhi. Trong các vụ phá thai lớn, may mắn có những em được cứu sống. Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một sự may mắn trọn vẹn.
Bé Bình An được cứu sống trong một ca phá thai to nay đã được 3 tháng tuổi.
Bình An là nạn nhân của một vụ phá thai ở tháng thứ 7. Bé được chuyển từ bệnh viện về trung tâm bảo trợ xã hội 1 Hà Nội cách đây 1 tháng. Bình An giờ đã tròn 3 tháng tuổi, con đã tăng được 1kg, sức khỏe có tiển triển. Để Bình An được như thế này là điều không hề đơn giản, dù các mẹ ở đây đều là những điều dưỡng có kinh nghiệm.
Ngoài Bình An, 6 trẻ khác đang được nuôi dưỡng ở đây cũng đều là trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện. Nhìn bề ngoài, bé nào cũng lanh lợi hoạt bát nhưng hầu như các bé đều có vấn đề về sức khỏe. Bé 3 tuổi rồi nhưng chẳng được lanh lợi, bé thì có đôi chân yếu mãi không biết đi. Bởi các bé đều được sinh ra trong điều kiện y tế không đảm bảo. Cũng có khi, cơ thể bé nhỏ đã chịu ảnh hưởng của những loại thuốc phá thai từ trước khi chào đời.
Để bù đắp những thiệt thòi ấy, các mẹ ở đây cố gắng dành cho các bé sự chăm sóc tốt nhất nhưng vẫn có một điều không thể nào bù đắp được là tình thương của cha mẹ.
Tuy nhiên, cũng chính bởi lý do sức khỏe, cơ hội để các bé tìm được một gia đình mới lại càng trở nên xa vời. Với những em bé này, may mắn có lẽ mới chỉ dừng lại ở hai chữ "được sống".
Những người trong cuộc chia sẻ có rất nhiều lý do để bỏ đi cái thai ở những tuần cuối. Từ thiếu hiểu biết, rồi vì hoàn cảnh, bị bỏ rơi nhưng bất cứ lý do nào cũng chỉ để biện hộ cho hành vi khó chấp nhận này. Còn về phía những cơ sở y tế, biết là khó chấp nhận nhưng vì lợi nhuận vẫn cứ làm. Ở thời điểm này, bản án pháp luật có thể chưa đủ mạnh nhưng bản án lương tâm rồi sẽ khiến họ day dứt cả đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!