Đại hội Đảng và chiếc "lồng" kiểm soát quyền lực

TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện CTQG Hồ Chí Minh-Thứ ba, ngày 14/07/2020 11:13 GMT+7

VTV.vn - Ý tưởng về chiếc "lồng" nhốt quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nhu cầu cấp bách về các cơ chế và phương tiện kiểm soát quyền lực trong khu vực công.


Phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" quy chế lập pháp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu 

tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 17/10/2016



Lồng "nhốt" quyền lực

"Nhốt quyền lực" có nghĩa là đặt quyền lực công vào trong phạm vi kiểm soát của các chế tài luật pháp, nhằm bảo đảm quyền lực được kiểm tra và giám sát chặt chẽ, hướng đến mục đích cao nhất là chống lạm quyền. Từ sau Đại hội XII đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao bị kỷ luật, nhiều cá nhân bị truy tố đã chứng tỏ sự cần thiết phải quyết liệt hơn nữa trong việc thể chế hóa ý tưởng về chiếc "lồng nhốt quyền lực".

Đại hội Đảng và chiếc lồng kiểm soát quyền lực - Ảnh 2.

Nhiều ủy viên Trung ương đương nhiệm bị kỷ luật với các hình thức khác nhau, trong đó có những người bi khởi tố, hầu tòa và nhận các bản án nhiều chục năm như các ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn

Quyết tâm kiểm soát quyền lực thể hiện qua hình ảnh chiếc "lồng nhốt quyền lực" cho thấy "lạm quyền", nếu không được ngăn chặn, sẽ trở thành một nguy cơ mới cho sự tồn vong của chế độ. Bởi hệ quả nghiêm trọng nhất của tình trạng lạm quyền là nó làm suy giảm lòng tin chính trị của nhân dân vào các thể chế chính trị - hành chính, cụ thể hơn là vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Điều này cũng có nghĩa chống được lạm quyền sẽ giúp gia tăng lòng tin chính trị vào các thể chế công cũng như hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 90 năm hình thành và phát triển, trong đó có 75 năm cầm quyền. Tuy nhiên, kiểm soát quyền lực chỉ thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu trong những năm gần đây. Điều này cũng có nghĩa, kiểm soát quyền lực khu vực công là một thách thức với Đảng ta hiện nay, cả về tư duy lý luận cũng như hành động thực tiễn.

Tiến trình vận động của tư duy và thể chế kiểm soát quyền lực

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với công cuộc lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trước hết là để đáp ứng nhu cầu lãnh đạo cách mạng chống ách áp bức thực dân. Khi giành được chính quyền thì Đảng cùng nhân dân lại phải tiến hành kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước. 

Bối cảnh chiến tranh đòi hỏi sự tập trung quyền lực cao độ: mọi người, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất đến từng người dân, đều sẵn sàng hy sinh các lợi ích cá nhân của mình để hướng đến mục đích chung của dân tộc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam ở mọi cấp luôn gắn với hình ảnh thanh đạm, chỉ có cống hiến chứ không hề có biểu hiện lạm quyền, mưu lợi cá nhân, vinh thân, phì gia. Vì thế, đến cuối thế kỷ 20, kiểm soát quyền lực công chưa phải là mối quan tâm bức thiết của Đảng ta.

Sau năm 1975, mô hình hệ thống song trùng Đảng - Nhà nước vẫn tiếp tục được áp dụng trong việc quản trị quốc gia. Tuy nhiên, tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhu cầu hiện đại hóa hệ thống quản trị công. Trong bối cảnh đó, những chuyển động đầu tiên về kiểm soát quyền lực được thể hiện trong các bản Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

"Đảng không làm thay nhà nước" là phương châm thể hiện sự phân biệt giữa quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực công của các cơ quan nhà nước. Hệ thống cơ quan Đảng được tinh gọn lại và thực hiện đúng nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Đây cũng chính là tiến trình Đảng cộng sản Việt Nam tự đổi mới để trở nên là một Đảng cầm quyền trong bối cảnh thế giới hiện đại.

Đại hội Đảng và chiếc lồng kiểm soát quyền lực - Ảnh 3.

Ngăn chặn cán bộ lãnh đạo và quản lý lạm dụng quyền lực trở thành mối quan tâm của Đảng từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII

Kiểm soát quyền lực theo nghĩa ngăn chặn cán bộ lãnh đạo và quản lý lạm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân hoặc nhóm thực sự trở thành mối quan tâm của Đảng từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Sau một thời gian phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được sự thay đổi tích cực về mọi mặt. Nhưng cũng chính bối cảnh thịnh vượng của đất nước đã làm trỗi dậy tính vị kỷ cá nhân. Tình trạng tham nhũng, quản lý tùy tiện, hống hách, vị người thân… không giảm xuống, mà có biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước nguy cơ lạm quyền có thể gây tổn hại đến uy tín của Đảng cũng như hiệu lực quản lý của nhà nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành hàng loạt quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực. Điển hình có thể kể đến Quy định 47-QĐ/TW (2011) về 19 điều đảng viên không được làm; Quyết định 244-QĐ/TW (2014) về bầu cử trong Đảng; Quy định 102-QĐ/TW (2017) về kỷ luật đảng viên; và mới đây nhất là Quy định 205-QĐ/TW (2019) về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, việc chuyển hóa các chủ trương và thể chế Đảng thành các quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi công quyền vẫn là tiến trình gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới đây.

Đại hội Đảng và việc hoàn thiện "lồng kiểm soát quyền lực"

Theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc chính là một thành tố đặc biệt của "chiếc lồng" kiểm soát quyền lực. Diễn đàn đại hội chính là nơi các đại biểu xem xét, đánh giá, và lựa chọn những cá nhân xứng đáng nhất vào các vị trí lãnh đạo và quản lý quan trọng của đất nước. Bằng cách đó, Đại hội Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực khu vực công.

Cũng tại Đại hội Đảng toàn quốc, cơ sở chính trị cho chiếc "lồng kiểm soát quyền lực" có thể được hoàn thiện hơn. Với tư cách là thể chế có quyền lực cao nhất hệ thống chính trị, mọi quyết định tại đại hội sẽ là cơ sở cho việc luật hóa các quy định kiểm soát quyền lực công. Do đó, Đại hội Đảng toàn quốc chính là dịp để các đại biểu xem xét kỹ lại hệ thống thế chế về kiểm soát quyền lực, điều chỉnh nếu thấy cần thiết, và ban hành các chủ trương mới nhằm tạo cơ sở chính trị cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về kiểm soát quyền lực.

Một bộ luật chống lạm quyền có thể là sản phẩm từ ý tưởng về chiếc "lồng kiểm soát quyền lực". Để có được thành quả như thế đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, cũng như quyết tâm chính trị của các đại biểu dự đại hội. Cũng vì thế, kiểm soát quyền lực chắc chắn sẽ là một chủ đề được nhân dân quan tâm trong các nội dung thảo luận tại Đại hội XIII sắp tới.

Xem thêm