Phân cấp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 31/10/2024 07:21 GMT+7

VTV.vn - Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương góp phần đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Đầu tư công là một trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Nhưng nguồn lực này vẫn chưa phát huy hết vai trò là vốn mồi dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội. Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) được kỳ vọng gỡ vướng chính sách để huy động tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

"Đầu năm thư thả, cuối năm vất vả" hay "có tiền mà không tiêu được", những cụm từ có lẽ hay được nhắc đến, gắn với giải ngân đầu tư công dù những sự chỉ đạo quyết liệt, đốc thúc rốt ráo không phải là ít. Và câu hỏi là tại sao tốc độ giải ngân đầu năm thấp, tại sao không đẩy nhanh được tiến độ giải ngân? Và làm sao để dự án sớm đưa vào khai thác? Những nút thắt cần được tháo gỡ như thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần khơi thông nguồn lực, tạo đột phá cho phát triển.

Đó là lý do Luật Đầu tư công năm 2019 được sửa đổi toàn diện và dự thảo sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, 5 nhóm chính sách lớn gồm: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đang góp phần đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công. Chủ động hơn, tiết giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, dự án đường 452ha là công trình lớn nhất từ trước đến nay được UBND tỉnh Thái Bình phân cấp cho huyện Quỳnh Phụ làm chủ đầu tư. Chủ động hơn được ở nhiều khâu, huyện Quỳnh Phụ đang đặt mục tiêu giảm 1 nửa thời gian hoàn thành dự án

Ông Vũ Xuân Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: "Huyện chủ động hơn trong giải phóng mặt bằng và thường xuyên kiểm tra, theo dõi nắm bắt tiến độ cũng như giải quyết những vướng mắc kịp thời, đặc biệt là những kiến nghị của nhà thầu thi công".

Trong nhiều năm qua, hàng trăm dự án đã được phân cấp từ bộ, ngành xuống tỉnh thành phố và cũng tiếp tục được giao cho huyện, thị, các ban quản lý làm chủ đầu tư.

"Việc phân cấp phân quyền mạnh hơn sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thẩm định, đặc biệt những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Qua đó giảm thiểu được thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng công trình", ông Hoàng Đức Cường - Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thái Bình chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, riêng lĩnh vực giao thông, khoảng 80% dự án đã được phân cấp cho các địa phương.

Đã có những dự án với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giao cho các ban quản lý dự án địa phương làm chủ đầu tư. Việc phân cấp phân quyền không chỉ giảm tải cho các bộ ngành mà còn nâng cao tính chủ động cho các địa phương sớm hoàn thành dự án. Và đây chính là xu thế trong thời gian tới.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Mục tiêu chính sách tài khóa là phải đẩy mạnh đầu tư. Thời gian qua, trong lĩnh vực này đã có nhiều đổi mới. Ví như việc cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án, tạo cơ chế chủ động và chính các địa phương thấy việc cần thiết, trách nhiệm hơn vì họ là người thụ hưởng. Đây là cũng là bước đột phá".

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đầu tư công

Phân cấp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Việc thí điểm tách đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập theo Nghị quyết của Quốc hội đang cho thấy kết quả tích cực cả về tiến độ thi công và giải ngân.

Công tác giải phóng mặt bằng luôn là một trong những điểm nghẽn phổ biến nhất, khiến nhiều dự án chậm tiến độ, có khi đến hàng chục năm không thể triển khai. Do vậy, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập là một trong những nội dung rất được quan tâm tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) này. Thời gian qua, việc thí điểm tách đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập theo Nghị quyết của Quốc hội đang cho thấy kết quả tích cực cả về tiến độ thi công, giải ngân.

2 lần triển khai chiến dịch 30 ngày đêm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. 4 lần được lùi thời hạn bàn giao các đoạn mặt bằng sạch. Thế nhưng một lần nữa Đồng Nai lại lỡ hẹn và sau 15 tháng khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các đoạn giải phóng mặt bằng dường như vẫn dậm chân tại chỗ bởi tất cả các khâu đều phải chờ có mặt bằng.

Ông Nguyễn Linh - Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho hay: "Chúng tôi cũng rất lo lắng về toàn bộ thời hạn hoàn thành dự án này và nếu không hoàn thành giải ngân năm nay thì đồng nghĩa tiến độ đó sẽ phải cộng dồn sang năm sau".

Tuy nhiên, ở dự án tuyến đường ven biển dài hơn 60km, nối từ huyện Quỳnh Lưu đến thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An được áp dụng tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng thì dù mục tiêu sẽ hoàn thành vào tháng 2/2026, nhưng hiện đã gần về đích.

Có hơn 2/3 là đất nông nghiệp, còn lại là đất ở. Thế nhưng chỉ trong hơn 1 năm, toàn bộ tổng chiều dài tuyến đường ven biển Nghệ An gần 60km đã được giải phóng mặt bằng và địa phương này cho biết quyết tâm sẽ thông tuyến trong năm nay.

Việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư tổng thể giúp cho các khâu được tiến hành song song, tiến độ dự án được đẩy nhanh đây là điểm mấu chốt tiết kiệm thời gian nguồn lực khi thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ phải đi sau các bước phê duyệt dự án nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật.

Ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết: "Việc tách giải phóng mặt bằng đó sẽ tạo ra chủ động cho địa phương một cách hiệu quả hơn. Khi triển khai các dự án đầu tư công thì mình tập trung giải phóng mặt bằng trước và sau đó triển khai các thủ tục tiếp theo thì nó sẽ tạo được thuận tiện trong triển khai thực hiện".

Từ thực tiễn, với 1 dự án trọng điểm quốc gia như đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên), chúng ta đã hoàn thành chỉ trong 6 tháng, thời gian kỷ lục mà thường phải mất 3 năm với 1 dự án quy mô tương tự, trong khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu đề ra, nhất là chuẩn bị đầu tư và nguồn vốn; giải phóng mặt bằng; bảo đảm đầu vào về vật tư, vật liệu, trang thiết bị; tổ chức triển khai và thi công, đó là một kỳ tích. Nếu không giải ngân vốn tốt thì không làm được điều này. Đó chính là sự đột phá về tư duy, cơ chế, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm. Có mặt bằng đến đâu, là dự án triển khai ngay đến đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cũng đồng nghĩa với việc dòng vốn này sớm chảy vào nền kinh tế, tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước