Theo Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ, trên 400 doanh nghiệp đã cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 sẽ phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đang diễn ra chậm.
Việc thoái vốn tại Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh tiếp tục bế tắc, cho dù đã có nhà đầu tư muốn mua toàn bộ cổ phần theo phương thức đấu giá trọn lô và số tiền Nhà nước có thể thu về là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không chấp thuận cụ thể hóa một số điểm của quy chế đấu giá cho phù hợp với trường hợp đấu giá trọn lô toàn bộ số cổ phần thoái vốn tại doanh nghiệp này. Điều này cho thấy, sự phức tạp trong việc thoái vốn, để làm sao vừa tuân thủ đúng luật pháp, vừa thu được nhiều lợi ích cho Nhà nước, và không để các nhóm lợi ích chi phối.
Đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, việc xác định giá bán lại càng khó hơn. Bán thấp hơn giá sổ sách là một giải pháp được đề ra tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Việc xác định giá bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn còn do phần lớn các DN sau cổ phần hóa không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ kiên quyết rà soát nhằm đảm bảo doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải niêm yết.
Chậm thoái vốn nên cổ phần hóa đang nặng về hình thức và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chiếm tỷ lệ quá cao khiến các nhà đầu tư không mặn mà với các phiên đấu giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần mạnh tay thoái vốn với tỷ lệ cao, thậm chí bán 100% vốn tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ để nguồn lực quan trọng này được huy động cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và giảm nợ công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!