Nhưng nếu như mức thu nhập này chững lại hoặc là trì trệ, kéo dài thì nguy cơ Việt Nam có thể sẽ rơi vào
bẫy thu nhập trung bình là điều hoàn toàn có thể sẽ xảy ra.
Đã có những cảnh báo hoặc lo ngại về bẫy thu nhập trung bình đối với Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn là cách thức làm thế nào để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phải mất bao lâu để thoát khỏi cái bẫy này? Đây cũng là chủ đề được Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức ngày 15/4.
Giáo sư kinh tế Nhật Bản, Kenichi Ohno là người đầu tiên gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam từ năm 2008 cũng có mặt tại hội thảo.
“Chưa giàu nhưng đã già”, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ rơi vào tình cảnh này, nếu như mức tăng trưởng không được cải thiện hoặc sự ỳ ạch về thu nhập trung bình còn kéo dài. Vị giáo sư đã có trên 20 năm nghiên cứu về Việt Nam này đã dí dỏm và ví von về thu nhập trung bình của Việt Nam như vậy.
‘ Giáo sư Ohno cho rằng, bẫy thu nhập đã thành hiện thực với Việt Nam. Ảnh: sggp
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản nói: “Cá nhân tôi thì khẳng định rằng, bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã bắt đầu bước vào bẫy thu nhập bình. Tôi cũng biết rằng, nhận định của tôi có thể sẽ không đồng nhất với các nhận định của các chuyên gia hoặc các học giả, nhà quản lý đang ngồi đây. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, bẫy thu nhập trung bình là một xu hướng chứ không phải là một thời điểm”.
Khuyến cáo của Giáo sư Ohno không hẳn đã nhận được sự đồng tình của các học giả, tổ chức nghiên cứu khác.
Bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: “Khi nhìn thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị chững lại, nhiều người bắt đầu cho rằng Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bản thân tôi không cho rằng Việt Nam đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tôi chỉ cho rằng Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm chạp so với trước đây. Những chọn lựa về chính sách mà Chính phủ đưa ra ngày hôm nay sẽ quyết định câu trả lời cho vấn đề này”.
Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, các quốc gia có mức thu nhập bình quân từ 1.000-12.000 USD/năm sẽ được coi là quốc gia có thu nhập trung bình.
Nhưng quốc gia nào có mức thu nhập dưới 4.000 USD/năm sẽ bị coi là thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được ngưỡng này, thì quốc gia đó sẽ bị coi là không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Tránh được bẫy thu nhập trung bình cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế, nâng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Bẫy thu nhập trung bình đã cận kề, và quỹ thời gian cũng không còn nhiều nếu như Việt Nam không bắt tay hành động ngay từ bây giờ. Đó cũng là ý kiến mà nhiều chuyên gia, học giả khuyến cáo về bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đang có nguy cơ đối mặt.