5 tác nhân gây ung thư phổ biến nhất

Linh Chi, icon
06:59 ngày 06/01/2019

VTV.vn - Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca.

Hình minh họa.

Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp thứ 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỷ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí thứ 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với con số 104,4/100.000 dân.

Có thể nói ung thư là căn bệnh không còn xa lạ với người dân Việt Nam, bởi số người mắc ngày càng tăng, bệnh gây hậu quả nghiêm trọng và biến chứng khôn lường. Vậy những yếu tố nào là tác nhân gây bệnh ung thư?

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học "Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị", PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội, chuyên gia Bệnh viện đa khoa Medlatec nhấn mạnh những tác nhân gây ung thư hàng đầu gồm:

Chế độ ăn uống

Hằng ngày, các chất chúng ta cung cấp cho cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống. Nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn, tồn dư hóa chất là nguyên nhân gây tồn tại chất độc trong cơ thể.

Ngoài ra, những thói quen như ăn mặn, ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn sẵn, đồ ăn chiên dán nhiều dầu mỡ chính cũng là nguyên nhân tích tụ cholesterol trong máu làm xơ vữa thành mạch.

Thuốc lá

Trong khói thuốc lá có ít nhất 73 chất gây 25 bệnh ung thư khác nhau, đặc biệt với bệnh ung thư phổi, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới được cho là do thuốc lá.

Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, người hút thuốc lá 1 bao/ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ những người hút thuốc mới có nguy cơ mắc ung thư phổi, mà người hít phải khói thuốc (tức là hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ mắc cao.

Nghề nghiệp

Mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có yếu tố nguy cơ gây bệnh khác nhau. Các nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc ung thư thường là tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ, thợ làm tóc, cơ khí, nguyên tử hạt nhân, sản xuất cao xu, sản xuất nhựa, thợ mỏ, sản xuất bột giặt, sản xuất nước tẩy rửa, công nhân trong các khu công nghiệp...

Hiệp Hội ung thư Hoa Kỳ cho biết: chỉ có khoảng 4% bệnh nhân ung thư ở nước Mỹ được xác định nguyên nhân do môi trường làm việc. Tuy nhiên, các chất gây ung thư còn tồn tại hàng thập niên trong cơ thể và có thể gây biến đổi gen di truyền cho thế hệ sau. Chính vì vậy, việc tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh là quan trọng nhất.

Rượu

Việt Nam là đất nước có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao trên thế giới vì việc tiếp cận với rượu rất dễ dàng, giá thành rất rẻ, người lớn hay trẻ em đều có thể mua được rượu. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde là chất gây nên 7 bệnh ung thư: khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Rượu gây hại với cơ thể qua loại rượu uống, cách thức uống, tần suất uống.

Ô nhiễm môi trường

Cùng với tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng như: ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất và ô nhiễm tiếng ồn.

Các yếu tố gây ung thư luôn hiện hữu quanh chúng ta, theo PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, để phòng ngừa bệnh việc tầm soát sớm là quan trọng nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục