Ăn một bát phở, đủ muối cả ngày

Theo Người Lao Động, icon
09:40 ngày 26/12/2017

VTV.vn - “Nếu ăn hết một bát phở bò, bạn đã tiêu thụ từ 3,3-4,6 gr muối, gần bằng lượng muối được Tổ chức thế giới khuyến nghị ăn trong 5 gr muối/ngày”, PGS.TS Lê Thị Bạch Mai nói.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế đã chia sẻ về thói quen ăn quá nhiều muối của người Việt Nam. Theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai, một bát phở bò tái chín cung cấp từ 300 - 350 kcal nhưng cũng chứa một lượng muối rất lớn. Một bát phở bò chín chứa 3,8 gr muối, còn trong bát phở tái là 3,34 gr.

Ăn một bát phở, đủ muối cả ngày - Ảnh 1.

Phở bò là món ăn chứa khá nhiều muối.

Đặc biệt, trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483 kcal, chứa tới 4,6 gr muối. Ngay cả với những thực phẩm tự nhiên tưởng chừng như không có muối nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đều chứa sẵn muối. Chẳng hạn, một bát cơm trắng (cơm tẻ) cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01 gr muối; cơm hến chứa 1,78 gr muối; cơm rang thập cẩm chứa 3,34 gr muối; cơm suất văn phòng (gồm thịt nạc vai và đậu phụ) cung cấp 760 kcal nhưng cũng có lượng muối lên tới 5,15 gr... Trong các món miến: gà, lươn nước, ngan... cung cấp từ 3,6 – 4 gr muối. Với các món hủ tiếu nước, mỳ Quảng, mỳ sapaghetti hải sản (thịt bò)... dù hàm lượng muối thấp hơn chỉ 1,3- 2 gr muối/tô nhưng cung cấp năng lượng khá cao (khoảng 450 - 500 kcal).

Ăn một bát phở, đủ muối cả ngày - Ảnh 2.

Phở sốt vang cung cấp lương muối bằng cả ngày ăn theo khuyến nghị của WHO.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho biết hiện trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5 gam muối mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Ăn mặn thường xuyên sẽ làm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, tăng huyết áp và dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ. Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm đã đề ra mục tiêu giảm 30% mức tiêu thụ muối của mỗi người vào năm 2025, tức là lượng muối ăn của trung bình mỗi người dân giảm còn 6,6 gr. Năm 2013, Bộ Y tế đã từng triển khai mô hình can thiệp giảm muối tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ đó đến nay, giải pháp can thiệp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng, trong khi nhiều nước trên thế giới đều quy định cơ sở sản xuất phải ghi rõ hàm lượng muối trên bao bì thực phẩm, còn ở nước ta quy định này vẫn chưa được ban hành.

Ăn một bát phở, đủ muối cả ngày - Ảnh 3.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo giảm lượng muối ăn để ngừa bệnh tật

Để hạn chế lượng muối ăn qua thực phẩm các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn... "Đặc biệt với món phở- món ăn chứa khá nhiều muối, cách hạn chế "nạp" muối vào là nên ăn phần cái và ăn ít hoặc bỏ lại phần nước. Nhiều người thấy nước phở mặn thường cho thêm chút dấm hoặc chanh để nước phở nhạt hơn, tuy nhiên đây cũng chỉ là cách để đánh lừa vị giác"- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên.

Ngoài ra, để giảm "thèm" mặn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ nên tập cho trẻ ăn nhạt từ lúc còn nhỏ. Đôi khi người lớn thường áp đặt khẩu vị mặn của mình khi nấu thức ăn cho trẻ, cho rằng, nấu đậm đà để trẻ ngon miệng hơn, nhưng thực tế cần cho trẻ được quen với khẩu vị nhạt muối ngay từ khi ăn dặm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục