Ăn uống thế nào để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vú?

Thủy Nguyễn, icon
06:05 ngày 10/10/2016

VTV.vn - Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, ăn rau quả nhiều, ăn cá nhiều hơn chất thịt, ăn phải có cả chất béo, ăn nhiều chất xơ, sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Ảnh minh họa. (Nguồn: onecapehealthnews.com)

Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca vào năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020.

Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đó là ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới, lần lượt là các bệnh ung thư vú, dạ dày.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết mắc ung thư vú đang trẻ hóa, trước đây bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, nhưng nay đã có trường hợp mắc khi mới 21 tuổi. Dù đây là trường hợp mắc ung thư vú trẻ, hiếm gặp nhưng cũng đã báo động, phụ nữ cần phải lưu tâm.

"Hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa ung thư vú, đặc biệt với những người có nguy cơ cao khi gia đình có mẹ, chị, em đã mắc, cần phải lưu tâm tới ngực sớm. Phụ nữ khoảng 25 tuổi trở lên cần phải thường xuyên tự khám bằng cách sờ nắn theo đường vòng xung quanh vú xem có bất thường không, nên đi khám định kỳ để phát hiện sớm" - GS Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, thói quen ăn uống tác động nhiều đến ung thư. Mọi người nên ăn rau trái nhiều, ăn cá nhiều hơn chất thịt, ăn phải có cả chất béo, ăn nhiều chất xơ, sẽ làm giảm nguy cơ của nhiều bệnh trong đó có ung thư vú. Riêng về ung thư vú, chị em không để béo phì, không lên cân, phải tập thể dục thường xuyên.

Với những triệu chứng thông thường như khi sờ ngực thấy có một cục nhỏ, kể cả không thấy đau cũng cần phải đi khám bác sĩ để kiểm tra, như vậy mới có được kết quả chính xác. Phụ nữ nếu phát hiện sớm ung thư vú ở giai đoạn 1, cơ hội chữa khỏi sẽ lên tới 90%.

GS Nguyễn Chấn Hùng cũng cho biết, không dựa vào những phương pháp chữa bệnh "thần kỳ", "có trường hợp chia sẻ với bác sĩ là gặp một người nói nhìn mặt thấy nghi mắc ung thư nên tới viện khám. Cũng có người khi thấy một cục ở ngực, bác sĩ mới nghi ngờ nhưng chưa có kết quả chính xác, đã nghe tin đồn đi mua thuốc đắp lên, sau đó bệnh bùng phát dữ dội" - GS Hùng chia sẻ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của Đại học Massachusetts, Mỹ qua việc theo dõi chế độ dinh dưỡng của hơn 90.000 phụ nữ, những loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin C như nho, cam, quýt có khả năng giảm tế bào ung thư.

Trái cây, rau củ là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng vì không chỉ bổ sung vitamin, khoáng chất làm đẹp da hay tác động tích cực với hệ tiêu hóa và trao đổi chất mà chúng còn có khả năng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ ung thư vú.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư vú như do gen, do các tác động của môi trường, do thức ăn. Ung thư vú có thể điều trị bằng cách phẫu thuật, xạ trị, dùng hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Những phương pháp này trên thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện K Trung ương có đến hơn 70% bệnh nhân ung thư đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Trong đó ung thư vú chỉ có 50% ca bệnh phát hiện sớm.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục