Anh điều tra vụ truyền máu nhiễm độc khiến gần 2.500 người thiệt mạng

Nguyễn Mai, icon
09:04 ngày 27/09/2018

VTV.vn - Anh đang tiến hành cuộc điều tra công khai việc hàng chục nghìn bệnh nhân từng tham gia dịch vụ y tế công đã bị nhiễm bệnh sau khi truyền máu trong những năm 1970 và 1980.

Đây được coi là thảm họa y tế tồi tệ nhất của dịch vụ chăm sóc sức khỏe uy tín của Anh này.

Nhiều bệnh nhân cho biết: họ đã bị nhiễm viêm gan C sau khi truyền máu. Khi đó, họ chỉ là những đứa trẻ. Tuy nhiên lúc đầu, triệu chứng của một số bệnh nhân chỉ là đầu gối sưng nên đã được chẩn đoán nhầm là haemophilia, một loại bệnh rối loạn đông máu.

Một  phụ nữ khác cũng là nạn nhân, cho biết: cô đã bị nhiễm HIV thông qua chồng mình là một người mắc chứng rối loạn đông máu – căn bệnh xuất hiện sau khi anh này được truyền máu nhiễm độc.

Đã có rất nhiều đơn kiện dịch vụ y tế công ở Anh về vụ bê bối truyền máu nhiễm độc này cho người bệnh khiến họ bị nhiễm viêm gan C và HIV, nhưng đây là cuộc điều tra công khai đầu tiên ở Anh có thể buộc các nhân chứng phải ra làm chứng.

Sự việc được đưa ra ánh sáng sau nhiều thập kỷ vận động của các nạn nhân, những người tuyên bố rằng họ không nhận được bất cứ lời giải thích nào về việc cuộc đời họ bị hủy hoại do tự nhiên nhiễm bệnh.

Khoảng 5.000 người bị bệnh rối loạn đông máu được cho là đã bị nhiễm HIV và virus viêm gan trong khoảng thời gian hơn 20 năm - gần 3.000 người trong số họ đã tử vong. Họ bị nhiễm bệnh khi nhận máu truyền để chữa triệu chứng rối loạn đông máu.

Đây là phương pháp điều trị mới được giới thiệu vào đầu những năm 1970. Trước đó bệnh nhân phải đối mặt với thời gian nằm viện lâu dài để được truyền máu, ngay cả khi bị thương nhẹ.

Giới chức Anh khi đó phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu điều trị, do đó nguồn cung cấp được nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng phần lớn huyết tương được dùng để truyền cho các bệnh nhân đều là máu của những người nhiễm bệnh như tù nhân. Vào giữa những năm 1980, các đơn vị máu hiến mới bắt đầu được xử lý nhiệt để diệt virus.

Dịch vụ y tế công của Anh từng lập các khoản bồi thường sức khỏe cho một số người bị nhiễm bệnh - quỹ đầu tiên được thành lập từ năm 1989. Nhưng cuộc điều tra mới sẽ mở ra cánh cửa cho các nạn nhân tìm kiếm khoản bồi thường lớn thông qua các tòa án.

Hiện đã có hơn 100.000 đơn kiện được gửi đến tòa án và số đơn kiện dự đoán sẽ còn nhiều hơn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục