Ba chạc – “khắc tinh” của nhiều chứng bệnh thường gặp

Nguyễn Liên, icon
07:29 ngày 31/12/2018

VTV.vn - Cây ba chạc là bài thuốc hữu ích để trị nhiều chứng bệnh, trong đó có viêm họng, ho, sốt, ngộ độc…

Ba chạc (Hình minh họa: photoree.com)

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc dân tộc, cây ba chạc còn có tên gọi khác là cây chè đắng, chè cỏ hay cây dầu dầu, thuộc loại cây nhỡ cao từ 2 đến 8m, có nhánh màu đỏ tro. Cây ba chạc phổ biến ở khắp nước ta, ở trên các đồi cây bụi, ở rìa rừng, trong rừng thưa, ở cả vùng đất núi và đồng bằng.

Vị thuốc ba chạc chủ yếu là lá, rễ và vỏ thân cây. Người ta thường thu hoạch ba chạc quanh năm, sau đó rễ đem rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô ngoài nắng. Lá thì đem sấy khô hay phơi trong râm.

Trong các tài liệu y học cổ truyền, ba chạc được ghi có vị đắng, mùi thơm, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ bệnh ôn nhiệt, trừ thấp, chống ngứa, giảm đau và lợi sữa(Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – NXB Khoa học và Kỹ thuật).

Cây ba chạc có thể được coi là "khắc tinh" với nhiều chứng bệnh thường gặp. Lá ba chạc dùng ngoài chữa ghẻ, mụn nhọt, lở ngứa và chốc đầu. Ở Trung Quốc còn chữa vết thương nhiễm khuẩn, nhiễm mủ da, áp xe, eczema với phương thức là lá tươi nấu nước tắm, rửa hoặc giã đắp.

Khi dùng trong, lá ba chạc dùng để chữa bệnh viêm họng, viêm amidan, ho, mắt mờ, trẻ em sốt cao sinh kinh giật, phụ nữ mới đẻ ít sữa, kém ăn hoặc bị chứng nhiệt sinh khát. Ở Trung Quốc, người ta còn dùng lá ba chạc để phòng bệnh cúm, bệnh truyền nhiễm, viêm não, đột quỵ tim, cảm lạnh, viêm gan với phương thức tiến hành là sắc uống hoặc nấu cao, liều dùng từ 20 đến 40g một ngày.

Rễ và vỏ thân ba chạc chữa phong thấp, đau gân nhức xương, tê bại, bán thân bất toại, kinh nguyệt không đều. Bài thuốc rễ và vỏ thân ba chạc từ 8 đến 24g sắc uống một ngày là bài thuốc thường dùng trong chữa ngộ độc lá ngón ở Trung Quốc.

Một số bài thuốc có ba chạc trong y học dân gian:

- Thuốc bổ đắng (làm ăn ngon, dễ tiêu) đặc biệt cho phụ nữ sau khi đẻ: Ngày từ 8 đến 16g lá hoặc từ 4 đến 12g rễ, sắc uống.

- Thuốc lợi sữa: Ngày từ 8 đến 16g lá, sắc uống nhiều ngày.

- Thuốc điều kinh: Ngày từ 4 đến 12g rễ và vỏ thân sắc uống.

- Chữa viêm họng, viêm amidan, ho, viêm loét lưỡi, miệng, viêm gan vàng da, viêm dạ dày: Ngày từ 12 đến 20g lá tươi sắc uống. Trường hợp viêm ở miệng thì ngậm và nuốt dần.

- Chữa sốt, ngộ độc, háo khát, nước tiểu vàng nâu: Ngày 20g lá khô hoặc 40g lá tươi sắc uống.

- Chữa phong thấp, viêm khớp, lưng gối đau nhức, tê bại, đau dây thần kinh hông: Ngày từ 20 đến 40g rễ sắc uống hoặc tiến hành theo bài thuốc rễ ba chạc, dây đau xương, câu đằng, tầm gửi cây dâu mỗi vị từ 20 đến 30g sắc uống.

- Thuốc phòng cúm, bệnh truyền nhiễm và viêm não: Lá ba chạc 15g, rau má 30g, đơn buốt 15g, cúc thiên chỉ 15g. Tất cả sắc uống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục