Bắc Ninh: gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Linh Chi, icon
03:00 ngày 20/08/2018

VTV.vn - Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, bệnh lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị.

Tay chân miệng thường xuất hiện vào 2 đỉnh dịch (tháng 3-5 và tháng 9-10). Thời gian gần đây, đã ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng tại các địa phương trong toàn tỉnh Bắc Ninh. Vì vậy, chủ động phòng chống là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 227 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng nhiều so với cùng kì năm 2017.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương – Phó Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết: tại khu truyền nhiễm của bệnh viện có nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị. Để đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo cho các bé trong khu vực nhà truyền nhiễm cũng như các trẻ khác trong bệnh viện. Riêng tại đơn nguyên với đặc thù là điều trị cho các bé bị bệnh đường tiêu hóa và bệnh truyền nhiễm, nên đơn nguyên có sự bố trí phân khu, buồng bệnh theo từng mặt bệnh.

Bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, đồng thời có biện pháp cách li trẻ để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán mức độ, từ đó đưa ra quyết định điều trị tại nhà hay tại viện. Bệnh đa phần biểu hiện nhẹ nên có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cán bộ y tế, được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi trẻ, nếu có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như giật mình, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao 39,5 độ thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Hiện nay, bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dễ lây từ trẻ bệnh sang trẻ lành qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch mũi họng, bọng nước bị vỡ hoặc tiếp xúc qua các vật dụng có nhiễm mầm bệnh mà trẻ sử dụng.

Để phòng bệnh tay chân miệng các bác sĩ cũng khuyến cáo: phụ huynh thực hiện "3 sạch" (ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch) bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên lau sạch các bề mặt, đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ, nên để trẻ sống trong môi trường thoáng mát, vệ sinh để chủ động phòng bệnh cho con.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục