Bác sĩ “mát tay” chữa hiếm muộn kể chuyện thụ thai cho bà mẹ 60 tuổi lần đầu mang bầu

P.V, icon
08:26 ngày 27/09/2018

VTV.vn - Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cho rằng: đối với những người lớn tuổi thì chỉ nên sinh con khi thực sự cực chẳng đã, còn khi đã có con và tuổi cao thì không nên đẻ nữa.

Bác sĩ Nhã bên mẹ con sản phụ.

Câu chuyện về một sản phụ sinh năm 1959 (chồng sinh năm 1957) thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và vừa sinh con thành công ở tuần thứ 35 đã mở ra hy vọng cho những người có ý định sinh con khi đã lớn tuổi. Nói về trường hợp hy hữu tại Việt Nam này, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội, người được mọi người gọi với cái tên thân thiện "bà mẹ trăm con" cho biết: đây là người phụ nữ cao tuổi nhất tính đến thời điểm này thực hiện thụ tinh nhân tạo tại trung tâm.

Là người trực tiếp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc và theo sát bà mẹ 60 tuổi mang thai này, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã cho rằng: đối với những người lớn tuổi thì chỉ nên sinh con khi thực sự cực chẳng đã, còn khi đã có con và tuổi cao thì không nên đẻ nữa.

Người phụ nữ trong bài viết này trước nay chưa hề mang thai, sinh con lần nào. Khi đến viện điều trị, bà đã mãn kinh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ ở trung tâm quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người hiến tặng và tinh trùng người chồng.

Trước khi quyết định cho sản phụ mang bầu, cần phải kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe, thật may là sản phụ khỏe hoàn toàn. Tuy nhiên đến lúc gần 30 tuần thì sản phụ bị tiểu đường thai kỳ và phải điều trị để điều chỉnh đường huyết, sau đó về nhà bác sĩ cho thuốc để kiểm tra định kỳ. 

Thật hạnh phúc khi đến ngày đến tháng, bé được sinh ra hoàn toàn bình thường, nặng 2,6 kg và bú mẹ tốt. Hiện tại, đây là bà mẹ lớn tuổi nhất thực hiện IVF ở trung tâm và là phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con đầu lòng ở Việt Nam. Có thể gọi đây là một "kỳ tích".

Bác sĩ “mát tay” chữa hiếm muộn kể chuyện thụ thai cho bà mẹ 60 tuổi lần đầu mang bầu - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, người mẹ của hàng trăm đưa trẻ được thụ tinh nhân tạo.

Theo bác sĩ Nhã, trước khi quyết định để cho bệnh nhân mang thai, cần phải tư vấn và cho kiểm tra sức khỏe thật kỹ lưỡng. Trước tiên là xét nghiệm toàn bộ xem họ có bị mắc bệnh gì hay không, nhất là về chức năng gan, thận, chức năng đông máu, điện tim… Bởi vì ở những người lớn tuổi thường hay mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, nên trước khi làm bao giờ cũng phải kiểm tra đầy đủ.

Trong quá trình mang thai cũng phải theo dõi rất chặt. Tuy rằng bệnh nhân nào cũng phải theo dõi chặt nhưng ở những người có tuổi thì càng phải chặt hơn. Bởi khi mang thai rất dễ bị cao huyết áp. Ở người trẻ thì nguy cơ thấp hơn, còn ở những người cao tuổi thì nguy cơ cao hơn.

Bên cạnh đó, bệnh đái đường ở những người trẻ ít hơn, nhưng người già thì dễ bị chuyển hóa hơn. Đối với những người bị tiểu đường thai kỳ, thuốc phải điều trị theo đơn, kết hợp theo dõi huyết áp, ăn uống phải giảm ăn đường và không ăn mặn dễ cao huyết áp, còn lại cần ăn uống bình thường, đầy đủ dưỡng chất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục