Bé gái 18 tháng tuổi sốc phản vệ sau khi bị ong mật đốt gần 50 nốt

Linh Chi, icon
06:48 ngày 10/06/2022

VTV.vn - Trung tâm Y tế Tân Kỳ (Nghệ An) vừa tiếp nhận bệnh nhi 18 tháng tuổi, trong tình trạng có nhiều vết sưng nề, đau, ngứa nhiều, quấy khóc liên tục, xuất hiện sốt cao.

Hình minh họa.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhi theo người thân ra chơi ngoài vườn thì không may bị ong mật nuôi trong nhà đốt gần 50 nốt.

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi xác định bệnh nhi bị sốc phản vệ độ II và tiến hành xử trí cấp cứu.

Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã ổn định và được cho ra viện.

BSCKI. Vi Văn Hiền, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi cho biết: Mùa hè, khoa ghi nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị, do đây là mùa có nhiều loại hoa quả như dứa, nhãn, vải... thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn.

Bác sĩ Hiền lưu ý: Ngay sau khi bị ong đốt, nạn nhân cần ra khỏi khu vực có nhiều ong ngay lập tức. Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra. Tuyệt đối không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố.

Chườm đá hoặc đắp một miếng gạc lạnh sạch để giảm sưng và đau vết thương. Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng. Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày.

Cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ. Xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ... Đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân.

Người bị đốt có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục