Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Minh Đức, icon
10:18 ngày 19/10/2018

VTV.vn - Bạch hầu là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có biến chứng viêm cơ tim do độc tố và biến chứng đa dây thần kinh, nguy cơ tử vong rất cao.

Ngành y tế đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh bạch hầu tại tỉnh Kon Tum trong năm 2018. Điều này làm dấy lên lo ngại bùng phát dịch bạch hầu tại địa phương này. Bạch hầu là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có biến chứng viêm cơ tim do độc tố và biến chứng đa dây thần kinh, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một căn bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Những tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Triệu trứng lâm sàng của bệnh bạch hầu thường là viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, nuốt đau, da xanh xao, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khi thăm khám sẽ thấy giả mạc có màu trắng ngà hoặc màu xám dính chặt xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ chảy máu. Bệnh bạch hầu rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng có giả mạc mủ hoặc viêm amydan có hốc mủ. Do đó khi có triệu chứng cần được thăm khám kỹ bằng các phương pháp xét nghiệm.

Được biết, nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius. Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và có thể chịu được khô lạnh. Nếu vi khuẩn được chất nhầy bao quanh bảo vệ thì có thể sống được trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống có thể sống được đến 20 ngày.

Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, có thể lâu hơn. Người mang virus gây bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát hoặc ở ngay cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch cầu có thể từ vài ngày đến 3 - 4 tuần. Nếu điều trị kháng sinh kịp thời và có hiệu quả sẽ nhanh chóng chấm dứt sự lây nhiễm.

Bệnh thường lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Để phòng bệnh bạch hầu, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đúng lịch, đúng độ tuổi. Nếu phát hiện ổ dịch bạch hầu cần tăng cường vệ sinh nhà ở, lớp học, nhà trẻ để luôn thông thoáng và đủ ánh sáng. Tại những nơi có ổ bệnh cũ phải tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp viêm họng giả mạc để thăm khám kịp thời.

Theo Cục y tế dự phòng, bệnh bạch hầu lưu hành ở nhiều quốc gia trên thế giới và gây nên nhiều trận dịch nghiêm trọng. Căn bệnh này thường xuất hiện trong những tháng lạnh, đặc biệt là tháng 8, 9, 10 trong năm. Bệnh cũng có tính mùa, thường tản phát và có thể phát triển thành dịch. Những năm gần đây, bệnh bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần do thực hiện tốt việc tiêm chủng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục