Bệnh sởi đang bùng phát: những việc nào cha mẹ cần làm ngay?

P.V, icon
10:31 ngày 12/02/2019

VTV.vn - Bệnh sởi đang gia tăng nhanh tại nhiều địa phương và được dự báo sẽ còn tăng mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Tuy chưa có ổ dịch lớn nhưng ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới. Vậy các bậc cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho con?

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.

Bệnh sởi đang bùng phát: những việc nào cha mẹ cần làm ngay? - Ảnh 1.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình:

- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa  tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vaccine sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục