Đắk Nông: Nguy cơ bùng phát dịch sởi trong dịp tết Nguyên đán

P.V, icon
08:21 ngày 03/02/2019

VTV.vn - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, tính đến hết ngày 27/1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 145 trường hợp nghi sởi.

Theo đó, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có 12 ổ dịch sởi tại 5 xã thuộc hai huyện Tuy Đức và Đăk Glong. Một số ca bệnh tản phát tại các xã thuộc huyện Đăk R’lấp, Đăk Mil, Đăk Song. Số ca bệnh đang có xu hướng tăng lên cảnh báo nguy cơ dịch sởi bùng phát trong dịp tết Nguyên đán.

Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 4/1 là một trẻ 5 tuổi tại xã Đăk Ha - huyện Đăk Glong. Đến ngày 27/01, toàn tỉnh đã ghi nhận 145 trường hợp nghi sởi trong đó có 52 trường hợp dương tính với virus Sởi. Các trường hợp mắc tập trung cao ở các huyện Tuy Đức (114 ca, chiếm 78,6%); Đăk Glong (13 ca chiếm 8,9%) và Đăk R’lấp (13 ca chiếm 8,3%). Bệnh nhân phần lớn là người thuộc các đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 76%) ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc hai huyện Tuy Đức và Đăk Glong, trong đó, đồng bào M’Nông chiếm 35% số ca bệnh, dân tộc H’ Mông chiếm 39% và bệnh nhân dân tộc Dao chiếm 2% số ca bệnh. Về độ tuổi, số ca bệnh tập trung phần lớn từ 1 - 5 tuổi là chủ yếu.

Hơn 20 ngày qua, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng khiến ca bệnh tăng lên theo khu vực. Tuy Đức vẫn là địa bàn có số bệnh nhân cao nhất với 4/6 xã có ca bệnh tạo thành 11 ổ dịch, tập trung ở các xã Đăk Ngo, Đăk R’tih, Quảng Tâm, Quảng Trực. Ổ dịch còn lại là thôn 5 xã Đăk Ha với 7 trường hợp dương tính với virus sởi.

Với việc bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi thuộc đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa đặt ra vấn đề ý thức tham gia tiêm chủng vaccine phòng bệnh của người dân ở những địa bàn này. Trong suốt nhiều năm qua, ý thức chủ động, tự giác tham gia tiêm chủng của bà con nơi đây còn rất hạn chế. Thậm chí nhiều gia đình còn tìm mọi lý do để trốn tránh việc tiêm chủng cho con em dù được cán bộ y tế động viên, khuyến khích bằng nhiều hình thức. Điều này trở thành bài toán nan giải chưa có lời đáp của ngành Y tế nói chung, y tế địa phương nói riêng. Trong khi việc tiêm phòng vaccine là biện pháp khống chế và dự phòng tốt nhất đối với các bệnh truyền nhiễm.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, bệnh lây từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Dấu hiệu của bệnh là sốt, viêm long hô hấp, viêm kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Bệnh sởi khiến đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm nên trẻ dễ mắc các biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc... Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh.

Thời điểm tại địa phương có xuất hiện ca bệnh sởi, người dân cần hạn chế tập trung đông người, ít tiếp xúc với người bệnh hay nghi bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc sốt, phát ban.

Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi chưa cần thiết để tránh quá tải bệnh viện tuyến trên và lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vaccine phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.

Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn và hiệu quả nhất. Đặc biệt, tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng Globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay người nghi ngờ bệnh sởi. Bên cạnh đó, tránh tối đa việc dụi mắt, mũi; vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày; lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục