Bệnh trĩ không xấu - Tại sao phải giấu?

P.V, icon
09:32 ngày 14/12/2019

VTV.vn - Trong các bệnh lý liên quan đến vùng hậu môn, trực tràng thì trĩ là bệnh có số người mắc nhiều nhất. Tuy nhiên, bệnh ở vùng nhạy cảm nên có nhiều người thường né tránh.

Hình minh họa.

Mới hơn 40 tuổi, nhưng nhìn anh N.V.H., ở Phú Xuyên - Hà Nội khắc khổ như ngoài 60. Phần vì công việc bốc vác nặng nề, phần vì anh bị căn bệnh khó nói hành hạ suốt gần 20 năm nay nên ai cũng bảo anh già trước tuổi.

Anh tâm sự: Quê anh có nghề làm gạch. Từ nhỏ anh đã theo cha đi bốc gạch tại các lò, công việc vất vả, phải đứng nhiều, suốt ngày tiếp xúc với nắng nóng, khói bụi, anh lại lười uống nước nên thường xuyên bị táo bón. Cho rằng không có gì quan trọng nên anh H. cũng không mấy để ý, mãi tới khi anh bị đau rát hậu môn, đi ngoài ra máu rất đau đớn thì anh mới nghĩ có thể mình đã bị bệnh trĩ. Biết mình bị bệnh, nhưng do bệnh ở khu vực nhạy cảm, anh H. ngại không muốn đi bệnh viện khám.

Thế là ai mách đâu anh làm theo đó, hết thuốc nam đến các bài thuốc dân gian, có lúc cũng đỡ đau nhưng sự khó chịu ở khu vực hậu môn thì ngày càng tăng. Lúc làm việc gần nhà còn đỡ, những ngày phải theo xe chuyển gạch đến các tỉnh xa với anh quả là cực hình.

Không chỉ đau đớn, khó chịu, điều kiện sinh hoạt ở các nhà trọ nóng bức, thiếu nước sạch khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân. Các búi trĩ lúc trước khi sa ra ngoài anh còn tự đẩy lên được nhưng sau một thời gian thì việc này trở nên bất khả thi đối với anh.

Đau đớn, khó chịu, bất tiện… nhưng sự e ngại, tự ti khiến anh H. chấp nhận chung sống với bệnh trĩ gần 20 năm. Mới đây, do quá đau và vướng víu, anh mới quyết định đến bệnh viện khám.

Trực tiếp điều trị cho anh H., bác sĩ Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện cho biết: Bệnh nhân nhập viện khi thể trạng đã suy nhược nặng. Do bị bệnh quá lâu mà không được điều trị kịp thời nên các búi trĩ của bệnh nhân này căng to, thường xuyên chảy máu và sa hẳn ra ngoài. Không chỉ có cảm giác cộm, vướng víu ở hậu môn, bệnh nhân còn bị đau đớn không thể làm được bất cứ việc gì vì trĩ tắc mạch nhiễm trùng.

Bị bệnh trĩ, người bệnh có cảm giác rất đau nhưng nó không đe dọa đến tính mạng và việc điều trị không quá khó. Tuy nhiên, nếu chủ quan, mà không chữa trị từ khi bệnh ở giai đoạn đầu, bạn có thể bị nặng hơn. Khi đó rất khó điều trị phải can thiệp bằng phẫu thuật và khi đó kết quả điều trị sẽ không cao.

Bác sĩ Phạm Trường Giang khuyến cáo: Nếu bạn đã được chẩn đoán là mắc bệnh trĩ hay thấy mình có các dấu hiệu như: đau rát hậu môn, đi ngoài ra máu tươi, ngứa hậu môn, đau quanh vùng hậu môn, sa búi trĩ… trước hết bạn cần cải thiện chế độ ăn uống, không nên ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu, hạn chế ăn đồ cay nóng, bổ sung chất xơ trong bữa ăn, tăng lượng nước ống, tăng cường vận động.

Cùng với đó, việc đến cơ sở y tế để được khám khi có dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, trực tràng còn giúp bạn phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm khác như nứt kẽ hậu môn, ung thư đại trực tràng tránh tình trạng để quá lâu và điều trị muộn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục