Chế độ ăn không hợp lý, bé trai 2 tuổi đã mắc trĩ

Tuấn Bảo, icon
02:34 ngày 12/05/2019

VTV.vn - Đây là một trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi phát hiện mắc trĩ khi đến khám bệnh lý về hậu môn, trực tràng tại Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội.

Theo mẹ bệnh nhi T.T.D. (2 tuổi, trú tại Hà Nội), chị phát hiện cháu 4, 5 ngày mới đi ngoài, nghĩ cháu bị táo bón và bị trĩ nhẹ. Sau đó, chị tự chữa cho con bằng cách lấy lá đắp và mua thuốc co trĩ dạng gel bôi cho con. Hơn 1 năm như thế, nhưng càng chữa thì chị thấy búi trĩ của con lại càng lòi ra.

Đưa con đến khám tại Bệnh viện Bưu Điện, các bác sĩ kết luận: cháu bị trĩ do chế độ ăn uống mất cân đối, thiếu rau xanh, uống không đủ lượng nước cần thiết. Với tình trạng của cháu, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống là bệnh sẽ được cải thiện.

Trong khi bệnh có thể xuất hiện từ rất sớm như thế, nhưng trên thực tế, ngay cả nhiều người lớn cũng chưa quan tâm phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nguy hiểm hơn, theo bác sĩ Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng như: bệnh trĩ, rò hậu môn (mạch lươn), áp xe cạnh hậu môn, nứt kẽ hậu môn, đại tiện khó, táo bón, đau hậu môn không rõ nguyên nhân, các khối u vùng trực tràng, hậu môn… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tâm lý của một bộ phận không nhỏ người dân trong cộng đồng. Tuy nhiên, vì bệnh lý xuất hiện tại vùng nhạy cảm trên cơ thể nên hầu hết người bệnh đều có tâm lý e ngại, không muốn đi khám, không chia sẻ thông tin với thầy thuốc. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng càng nặng hơn gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục