Bệnh viêm gan E cần được lưu ý hơn từ cộng đồng

P.V, icon
01:34 ngày 20/04/2020

VTV.vn - Bên cạnh các bệnh lý viêm gan B, viêm gan C, bệnh viêm gan E vẫn đang là vấn đề ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo các bác sĩ Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hàng năm, trên thế giới có khoảng 20 triệu người nhiễm virus viêm gan E, khoảng 3,4 triệu người có biểu hiện triệu chứng, 70.000 người chết, và 3.000 thai chết lưu. Các vụ dịch xảy ra ở nhiều nước Châu Á, châu Phi, một số nước châu Âu và châu Mỹ.

Tại Việt Nam, cho đến nay, mặc dù chưa có nghiên cứu dịch tễ đủ lớn, nhưng một số nghiên cứu cũng đã cho thấy tỷ lệ mới nhiễm và đã từng nhiễm virus viêm gan E thực sự vẫn là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh các biểu hiện liên quan đến viêm gan, nhiễm virus viêm gan E có thể gây tổn thương các cơ quan khác gây biểu hiện lâm sàng phức tạp, khó chẩn đoán.

Bệnh viêm gan E chủ yếu lấy qua đường phân - miệng. Virus viêm gan E được đào thải qua đường phân của người hoặc động vật bị nhiễm, sau đó qua đường nước uống, đồ ăn bị nhiễm mầm bệnh không được nấu chín lây cho người bệnh khác.

Các con đường khác có thể lây nhiễm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ bao gồm:

- Ăn thịt hoặc sản phẩm làm từ thịt sống hoặc không được nấu chín lấy từ động vật bị nhiễm.

- Truyền máu, chế phẩm máu của người đang bị viêm gan E cho người khác.

- Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.

Độ tuổi hay gặp viêm gan E chủ yếu ở trẻ lớn vị thành niên, người trong độ tuổi 15 - 44 và phụ nữ có thai. Những người mới đến vùng dịch viêm gan E lưu hành.

Phần lớn các trường hợp nhiễm virus viêm gan E không có biểu hiện triệu chứng, tự khỏi trong vòng 4 - 6 tuần. Khoảng 7-30% các trường hợp còn lại có biểu hiện triệu chứng, thời gian ủ bệnh 15 - 60 ngày, trung bình 40 ngày sau khi phơi nhiễm.

Các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Một số ít có biểu hiện vàng da vàng mắt, tiểu sẫm màu, phân bạc màu, ngứa ngoài da. Bệnh thường tự khỏi và hồi phục trong vòng 2 đến 6 tuần.

Một số ít các trường hợp có thể diễn biến nặng gây suy gan cấp, tỷ lệ tử vong trong các vụ dịch dao động 1 - 3%. Tuy nhiên, với bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, viêm gan E có thể gây bệnh trầm trọng hơn với tỷ lệ tử vong cao hơn, trong nhóm bệnh nhân viêm gan E đang mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ, thống kê các nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ tử vong có thể cao từ 10 đến 30%.

Viêm gan E có thể thúc đẩy tình trạng suy gan tiến triển trên những người có bệnh gan mạn tính trước đó hoặc những bệnh nhân được ghép tạng phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch, gây ra tình trạng bệnh gan mất bù và tử vong.

Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu với viêm gan E cấp, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, tránh dùng các thuốc có thể gây tổn thương gan. Ribavarin và corticoid đã được sử dụng trên một số các ca bệnh, nhất là các ca có biểu hiện ngoài gan cho thấy có kết quả tốt. Một số trường hợp khác sử dụng interferon trong trường hợp mạn tính cũng cho thấy có hiệu quả. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về các liệu pháp điều trị này.

Do đó, để phòng bệnh, người dân cần thực hành tốt vệ sinh và sự sẵn có nguồn nước sạch, uống nước đun sôi hoặc các nước đã khử khuẩn sẽ bất hoạt HEV, tránh ăn thịt lợn và thịt nai sống có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm HEV type 3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục