Biến chứng bàng quang thần kinh ở trẻ em

Linh Chi, icon
04:28 ngày 18/04/2018

VTV.vn - Bàng quang thần kinh là bệnh lý gây mất chức năng của bàng quang do tổn thương một phần của hệ thống thần kinh.

Hình minh họa

Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm tiếp nhận khoảng hơn 100 lượt trẻ khám và điều trị căn bệnh này.

Ths.Bs Nguyễn Duy Việt – Phó khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích: "Bàng quang thần kinh khiến bàng quang hoạt động kém, không thể co lại và tống hoàn toàn nước tiểu ra ngoài; hoặc ngược lại bàng quang hoạt động quá mức, co lại thường xuyên, không có khả năng phối hợp với các cơ co thắt bàng quang."

Bệnh nhân bàng quang thần kinh nhập viện gần đây nhất là trường hợp bé Nguyễn Hoàng M. (5 tuổi, Bắc Ninh). Chị H. – mẹ bé M. cho biết, khi mới sinh con gái có một khối u kích thước khoảng 3x5cm ở vùng cùng cụt. Bé đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán có dị dạng thần kinh là thoát vị tủy – màng tủy và được mổ điều trị lúc 1 tuổi.

Từ sau mổ đến nay bé M. không tự chủ được trong việc đi tiểu, nước tiểu rỉ liên tục, không kiểm soát được và đã có 4 lần bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Gần đây thấy con có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi trung ương để khám. Bé được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn tiết niệu và phải nhập viện điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được điều trị kháng sinh, thăm dò chức năng thận, đánh giá mức độ ảnh hưởng của bàng quang thần kinh lên hệ niệu. Các bác sỹ kết luận bé bị hội chứng bàng quang thần kinh sau mổ thoát vị tủy – màng tủy. Việc phẫu thuật giải quyết dị tật bẩm sinh thoát vị tủy-màng tủy đã khiến hệ thần kinh điều khiển hệ thần kinh tự động của bàng quang bị tổn thương, bàng quang bị tê liệt, không co bóp được.

Nguyên nhân gây bệnh bàng quang thần kinh

Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, các nguyên nhân chính gây bàng quang thần kinh ở trẻ em độ tuổi từ 3 tháng – 15 tuổi là các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến tủy sống và chức năng của bàng quang, bao gồm:

- Dị tật thoát vị tủy – màng tủy (chiếm khoảng 95%);

- Tật nứt đốt sống hoặc bất sản xương cùng và các bất thường cột sống khác;

- Khối u trong tủy sống hoặc xương chậu;

- Chấn thương tâm lý;

- Tổn thương tủy sống.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Theo Ths.Bs Nguyễn Duy Việt, các triệu chứng thường gặp của bệnh bàng quang thần kinh ở trẻ:

- Bệnh nhân rỉ tiểu liên tục và thường không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu.

- Tiểu bí, khó tiểu, tiểu nhỏ giọt do bàng quang hoạt động kém, không co lại và tống được hết nước tiểu ra ngoài.

- Nước tiểu ứ đọng lâu ngày dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận, bể thận, sỏi tiết niệu, trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận.

Hậu quả, trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu liên tục, sẹo thận không phục hồi, dẫn đến suy thận, làm tăng nguy cơ tử vong, trong khi căn bệnh này không được chỉ định ghép thận.

Chẩn đoán

Ths.Bs Nguyễn Duy Việt cho biết, việc chẩn đoán bàng quang thần kinh ở trẻ em thường dựa vào các xét nghiệm thăm dò như: siêu âm thận, chụp X-quang bàng quang, cấy nước tiểu tìm vi khuẩn, xạ hình thận… Sau mổ dị tật thoát vị tủy – màng tủy, tất cả bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm thăm dò chẩn đoán nói trên.

Điều trị

Việc điều trị bệnh cần tuân thủ 3 nguyên tắc:

- Đảm bảo chức năng thận;

- Đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân;

- Bệnh nhân có khả năng sinh hoạt độc lập khi trưởng thành.

Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, nhưng thông tiểu ngắt quãng sạch là kỹ thuật cần được thực hiện ở tất cả bệnh nhân bàng quang thần kinh. Đây là phương pháp làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Một ống thông sạch được đặt qua niệu đạo bàng quang rồi rút ra. Lặp lại như vậy nhiều lần trong ngày (mỗi lần cách nhau 3-4 tiếng).

Chọn ống có kích thước phù hợp với lứa tuổi của bệnh nhi:

- Trẻ sơ sinh – 1 tuổi: ống thông số 6;

- Trẻ 1 – 3 tuổi: ống thông số 8;

- Trẻ 3-7 tuổi: ống thông số 10;

- Trẻ từ 7 tuổi trở lên: ống thông số 12.

Ưu điểm của phương pháp này là ít gây biến chứng, giảm được nhiễm khuẩn tiết niệu, hạn chế sỏi bàng quang, kiểm soát nước tiểu tốt, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Với trường hợp của bé M., Ths.Bs Nguyễn Duy Việt cho biết thêm:

"Cháu bé được chỉ định dùng thuốc kháng sinh kết hợp thông tiểu bàng quang. Nếu gia đình tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ thì tình trạng rối loạn đường tiết niệu có thể được cải thiện, nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ không tiến triển nặng thêm. Trường hợp ngược lại, nếu để nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần thì trẻ có nguy cơ bị suy thận, nguy hiểm tới tính mạng".

Cần phát hiện bệnh sớm

Bàng quang thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần khám sàng lọc các dị tật bẩm sinh có ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang như tật nứt đốt sống hoặc bất sản xương cùng, các khối u trong tủy sống hoặc xương chậu.

Đối với những bệnh nhi đã bị các chấn thương tủy sống, phẫu thuật cột sống, u hệ thống thần kinh trung ương, ngộ độc kim loại nặng….khi gặp một trong các triệu chứng bệnh nói trên cần khám để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. Bệnh nhân nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng nguyên nhân sẽ tiến tới suy thận, trường hợp nặng bệnh nhân cần phải chạy thận, nếu không có thể tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục