Bộ Y tế điều gần 30 chuyên gia và trang thiết bị hỗ trợ Điện Biên chống dịch COVID-19

Linh Chi, icon
03:05 ngày 06/02/2021

VTV.vn - Đến trưa 6/2, gần 30 chuyên gia, cán bộ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có mặt tại Điện Biên để triển khai chống dịch COVID-19.

Ngày 5/2, Điện Biên ghi nhận ca bệnh COVID-19 và là địa phương thứ 11 có bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch này. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử lực lượng tinh nhuệ bao gồm các chuyên gia chống dịch và điều trị hàng đầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai tới Điện Biên hỗ trợ chống dịch.

Các chuyên gia sẽ giúp đỡ ngành y tế Điện Biên giám sát dịch tễ, các hoạt động đáp ứng dịch, xét nghiệm và thiết lập hệ thống điều trị.

Chiều ngày 5/2, đoàn công tác gần 20 chuyên gia và cán bộ đã đến Điện Biên. Để tăng cường thêm hoạt động điều trị, dự phòng, trưa 6/2, thêm 11 cán bộ y tế các chuyên ngành xét nghiệm, dự phòng và kỹ sư đã tiếp tục đến Điện Biên.

Bộ Y tế điều gần 30 chuyên gia và trang thiết bị hỗ trợ Điện Biên chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Đến nay đã có gần 30 chuyên gia, cán bộ y tế về các lĩnh vực dự phòng, điều trị, xét nghiệm được Bộ Y tế điều động đã có mặt tại Điện Biên.

Tính đến sáng ngày 6/2, Điện Biên chưa có thêm ca mắc mới COVID-19. Toàn tỉnh đang có 3 bệnh nhân (đã được Bộ Y tế công bố).

Báo cáo của tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh đang huy động toàn bộ lực lượng liên quan để cùng ngành y tế thực hiện truy vết, khoanh vùng, cách ly các trường hợp liên quan đến 3 bệnh nhân của địa phương. Tuy nhiên, công tác truy vết F1, F2 gặp khó khăn, do địa bàn rộng, một số không khai báo y tế, khai báo không trung thực.

Bộ Y tế điều gần 30 chuyên gia và trang thiết bị hỗ trợ Điện Biên chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Tỉnh cũng cho biết: Hiện tại năng lực xét nghiệm ở Điện Biên chỉ đáp ứng được 200 mẫu/ ngày. Dự báo dịch có thể lan ra nhiều huyện, nên tỉnh sẽ phải xét nghiệm trên diện rộng, như vậy năng lực xét nghiệm không đủ đáp ứng.

Ngay sau buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi khảo sát thực tế tại 3 bệnh viện trên địa bàn để đánh giá năng lực, điều kiện thành lập Bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua khảo sát thực tiễn và trao đổi với địa phương, đoàn đã quyết định chọn Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Điện Biên Phủ làm Bệnh viện dã chiến với quy mô 180 - 200 giường bệnh, trong đó có 15 - 20 giường hồi sức với đầy đủ hệ thống oxy, khí nén, máy thở... điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đoàn công tác cũng đánh giá cao năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và đội ngũ nhân lực có thể chi viện cho Bệnh viện dã chiến khi cần.

TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế đang ở Điện Biên cho biết: Sáng 6/2, đoàn công tác tiếp tục làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Điện Biên Phủ từ 6h để cùng khảo sát, bàn bạc các phương án nâng công năng của một số khoa, phòng, phân luồng cán bộ, thiết lập khu điều trị bệnh viện dã chiến tại đây.

Bộ Y tế điều gần 30 chuyên gia và trang thiết bị hỗ trợ Điện Biên chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Song song với đó, đoàn công tác đã lên phương án trong chiều hôm nay tập huấn đào tạo cho tất cả các cán bộ về hồi sức, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở y tế trên toàn tỉnh về điều trị. Đồng thời, tập huấn cho các nhóm cán bộ dự kiến sẽ huy động phục vụ cho hoạt động của Bệnh viện dã chiến về hồi sức, vận hành máy móc, thiết bị và kiểm soát nhiễm khuẩn...

Mặt khác, đoàn công tác phối hợp cùng ngành y tế Điện Biên lên kế hoạch cụ thể về nhân lực sẽ huy động cụ thể từ các đơn vị khác phục vụ hoạt động của Bệnh viện dã chiến về hồi sức, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, sản khoa - ngoại khoa.

Bên cạnh đó, danh mục trang thiết bị, thuốc và phương tiện phòng hộ cụ thể cho hoạt động của BV dã chiến đã được đoàn công tác và ngành y tế địa phương xây dựng hoàn thiện trong sáng nay. Từ đó, đề xuất với tỉnh để kịp thời điều phối và đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ khi cần.

Theo TS Vương Ánh Dương, các chuyên gia về dự phòng và xét nghiệm đang nỗ lực tích cực phối hợp cùng ngành y tế địa phương trong công tác dự phòng và xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm của Điện Biên lên so với hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục