Các biện pháp phòng bệnh dại ở trẻ em

Bác sĩ Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai), icon
02:39 ngày 19/04/2023

VTV.vn - Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại CDC Đồng Nai.

Hàng năm, trên thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại, trong đó 40% số tử vong do bệnh dại là trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước Châu Á và Châu Phi. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong do bệnh dại.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus dại vì các em thường thích vui chơi, vuốt ve các loại động vật (như chó, mèo…) và khi bị các loại động vật này tấn công cũng chưa đủ khả năng phản kháng, dễ bị cắn, cào… Tại Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có 1.298 trẻ dưới 15 tuổi đi tiêm phòng dại.

Đặc điểm của bệnh dại

Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96 - 97%, ở mèo chiếm 3 - 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.

Giai đoạn ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, virus đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Một số quan niệm sai về bệnh dại

Hiện nay vẫn còn nhiều người truyền tai nhau những quan niệm không đúng về bệnh dại. Chẳng hạn: "không đi tiêm phòng sau khi bị chó nhà cắn vì cho rằng chó nhà nuôi hoàn toàn khỏe mạnh nên không thể mắc bệnh dại"; "tiêm vaccine phòng bệnh dại khiến trẻ em bị còi cọc, chậm lớn, giảm trí nhớ"; "đắp lá, uống thuốc Nam có thể chữa bệnh dại"…

Sự thực thì chó, mèo nhà nuôi cũng có khả năng mang mầm bệnh dại chứ không phải chỉ có chó, mèo hoang dã mới mang mầm bệnh. Tất cả các loại vaccine phòng bệnh dại cho người hiện nay đều là vaccine bất hoạt. Các vaccine này phải trải qua một loạt các kiểm định về chất lượng như hiệu lực, độc tính, độ an toàn và vô trùng trước khi được phê duyệt sử dụng trên người. Vì thế đây là loại vaccine an toàn, không có bằng chứng khoa học về việc tiêm vaccine dại khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, giảm trí nhớ như các quan điểm trên và việc dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh dại cũng không có cơ sở khoa học.

Bệnh dại đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn nhưng không đi tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Để chủ động phòng chống bệnh dại ở trẻ em - đối tượng đa số chưa nhận thức được sự nguy hiểm khi chơi với động vật, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Dạy trẻ cách chơi an toàn với động vật, tránh để bị chúng cắn, cào hay liếm lên vùng da bị thương. Dạy trẻ tránh tiếp xúc với các con vật đi lạc hoặc động vật hoang dã. Khuyên bảo trẻ không đùa nghịch, trêu chọc hay làm phiền các con vật và không nên lại gần các xác động vật chết.

Bản thân cha mẹ hãy hạn chế sự xâm nhập của các con vật lạ vào trong nhà bằng cách luôn đóng cửa cẩn thận. Ngoài ra, đối với các vật nuôi trong gia đình, cần phải cho chúng đi tiêm phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Khi con bạn không may bị động vật cắn, cào, liếm cần xử trí như sau:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào/cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45-70% hoặc cồn i-ốt hoặc Povidone, Iodine để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới có thể ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục