Cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh tay chân miệng

Minh Đức, icon
06:38 ngày 04/11/2015

VTV.vn - Trẻ bị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có thể chăm sóc tại nhà, với chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin và protein có thể giúp bệnh thoái nhanh và đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Dịch tay chân miệng trong những tháng gần đây đang có chiều hướng tăng lên ở các tinh miền Nam và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bệnh gây tổn thương mụn nước ở tay, chân, miệng và thường kèm theo các biến chứng nguy hiểm như viêm não, phù phổi. Triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt nhẹ, xuất hiện mụn nước xung quanh miệng, trong khoang miệng, tay chân… Trẻ em mắc bệnh dễ có các biến chứng nặng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi. Hiện nay, bệnh tay chân miệng xuất hiện tại nhiều nơi, nguyên nhân là do thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ngoại cảnh chưa tốt làm mầm bệnh dễ lây lan qua đường tiêu hóa. Ngoài việc chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống và dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe của trẻ và làm bệnh thoái nhanh hơn.

Tiến sĩ Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi cũng rất quan trọng. Giải pháp để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, góp phần làm bệnh tay chân miệng thoái nhanh hơn là bổ sung các loại thức ăn chưa nhiều vitamin C và vitamin PP. Ngoài ra, cần bổ sung protein và kẽm đầy đủ để tạo hàng rào cơ thể, tạo kháng nguyên, kháng thể cho trẻ”. Các bậc cha mẹ có thể bổ sung vitamin C cho trẻ qua các loại thực phẩm như rau xanh, bắp cải, đu đủ, còn vitamin PP có nhiều trong các thực phẩm như gan, thận, ngũ cốc. Đối với những trẻ bắt đầu bắt đầu có dấu hiệu mụn nước vỡ là bệnh đã thoái trào, cần bổ sung thêm nhiều vitamin A qua các loại thực phẩm như cà rốt, dưa chuột, ngô... để hỗ trợ bệnh mau lành, chống bội nhiễm.

Trong nhóm virus gây bệnh, nguy hiểm nhất là chủng EV71 lây truyền qua đường tiêu hóa. Virus vào đường ruột từ đó đi vào hệ bạch huyết, xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả là gây nên viêm não dẫn đến tỉ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Hiện Bộ Y tế phân 4 cấp độ cho bệnh tay chân miệng. Ở cấp độ 1, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, cấp độ 2 trở lên phải theo dõi tại bệnh viện, từ cấp độ 2B thì có biến chứng nặng. Biến chứng thường thấy là ở hệ thần kinh, chủ yếu là viêm não. Ngoài ra, còn có biến chứng ở hệ tim mạch như viêm cơ tim gây suy tim cấp dẫn đến ngừng tuần hoàn, suy các cơ quan khác.


Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần chú ý cách ly và giữ vệ sinh cho trẻ.

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần chú ý cách ly và giữ vệ sinh cho trẻ.

Khi trẻ bị bệnh ở cấp độ 1, phụ huynh có thể để trẻ chăm sóc tại nhà. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn dễ tiêu. Thức ăn cho trẻ phải mềm, lỏng nhưng đầy đủ dinh dưỡng. Không để trẻ ăn đồ có vị chua hoặc có nhiều gia vị. Vệ sinh miệng trẻ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, ở những nơi bị tổn thương ngoài da nên bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Quần áo của trẻ nên được ngâm dung dịch sát khuẩn hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch bằng xà phòng, tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ hàng ngày để tránh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, khi trẻ có triệu chứng sốt cao trên 39 độ C, hay quấy khóc, nôn nhiều, ngủ lịm, tay chân run... thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để hạn chế biến chứng nặng.

Vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể trẻ nhỏ yếu đi dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh tay chân miệng qua đường tiêu hóa do tiếp xúc. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ mắc bệnh hơn người lớn. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở lại đây đã có không ít trường hợp người lớn cũng nhiễm căn bệnh này. Biểu hiện của bệnh ở người lớn cũng là sốt, xuất hiện mụn nước ở gan bàn tay, bàn chân, khoang miệng. Bệnh có thể tự khỏi nếu không có biến chứng. Nhưng nếu có dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, co giật, đi loạng choạng thì cần đến ngay cơ quan y tế để được khám.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục