Hơn 70 ca tử vong do dịch tay chân miệng từ đầu năm đến nay

Minh Đức, icon
07:12 ngày 03/10/2015

VTV.vn - Bệnh tay chân miệng thường xảy ra vào mùa hè nhưng đến tháng 9, số ca mắc bệnh thường tăng vọt do trẻ nhập học nhiều.

Tay chân miệng là căn bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và là bệnh lây theo đường tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè nhưng đến tháng 9, số ca mắc bệnh thường tăng vọt do trẻ nhập học nhiều. Từ đầu năm tới nay, dịch tay chân miệng đang bùng ở các tỉnh phía Nam với hơn 20.000 ca, trong đó có 70 trường hợp tử vong. Ở miền Bắc, dịch đã xuất hiện ở một số địa phương và đã có 2 ca tử vong tại Thanh Hóa. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhóm tuổi mắc bệnh tập trung ở lứa tuổi mầm non nhưng gần đây đã xuất hiện ca bệnh ở người lớn, thậm chí ở cả người cao tuổi.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, có 800 ca mắc bệnh tay chân miệng ở 16/29 quận, huyện trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả các ca đều nhẹ và nằm rải rác. Trong tháng 9, số ca bị bệnh tăng hơn so với các tháng trước nhưng không đáng ngại. Hiện chỉ còn 35 ca vẫn đang điều trị tại các bệnh viện và số ca nhiễm có xu hướng giảm so với năm trước.

Hướng dẫn và nhắc nhở trẻ thực hiện vệ sinh cá nhân đều đặn.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt, nhà trẻ mẫu giáo một cách thường xuyên để phòng chống tay chân miệng. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Khi trẻ bị bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, có những vết loét đỏ ở miệng, môi trong, lợi, lưỡi,… Đồng thời sẽ có những vết phát ban dạng phỏng nước, nổi cộm dưới da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay đầu gối của trẻ. Bệnh nếu không chữa trị kịp thời có khả năng biến chứng gây tử vong, nếu được chữa khỏi cũng có nguy cơ tái phát nhiều lần. Khi thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh nên đưa trẻ đển cơ sở y tế để khám ngay. Nếu trẻ được chuẩn đoán mắc bệnh cần cách ly trẻ và có biện pháp vệ sinh lại môi trường xung quanh để tránh tạo ra ổ dịch.

Sở Y tế Hà Nội đi kiểm tra công tác phòng chống tay chân miệng trên địa bàn. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Đại diện Phòng nghiệp vụ Y – Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Thiếu vệ sinh là một trong những yếu tố gây nên tình trạng gia tăng các ca nhiễm bệnh. Khi trẻ nhiễm bệnh cần cách ly để tránh lây lan và tạo ổ dịch”. Ngay từ đầu tháng 9, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch đẩy mạnh y tế học đường, trong đó tăng cường công tác phòng chống dịch tại các trường học. Ngày 22/9, Sở Y tế cũng đã có công văn tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng. Nội dung công văn tập trung vào việc tuyên truyền các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của trẻ và đề nghị ngành y tế kết hợp cùng ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền cho các học sinh trong trường mẫu giáo và tiểu học.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục