Cách phát hiện và phòng tránh ngộ độc do độc tố Botulinum

Tuấn Bảo, icon
05:44 ngày 02/09/2020

VTV.vn - Vụ ngộ độc sau khi sử dụng Pate Minh Chay khiến hàng chục người phải nhập viện điều trị được xác định do vi khuẩn Clostridium Botulinum type B.

Bệnh nhân ngộ độc Botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Có thể nói ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thuộc loại này.

Nguyên nhân của loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển và sinh độc tố gây bệnh, cụ thể:

Vi khuẩn thủ phạm

Phổ biến là vi khuẩn Clostridium Botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt (vì ban đầu xảy ra chủ yếu với thịt hộp). Vi khuẩn này tồn tại nhiều ở ngoài môi trường lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử). Vi khuẩn này kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo sạch), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố Botulinum.

Loại thực phẩm có nguy cơ

Cổ điển là thịt hộp, tuy nhiên các vụ ngộ độc cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… khi được sản xuất để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định (ví dụ độ chua, độ mặn như trên), đặc biệt sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt về chất lượng. Ví dụ ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men…

Khó khăn trong chẩn đoán, phát hiện bệnh nhân

Đây là loại ngộ độc đặc biệt, xảy ra không thường xuyên. Biểu hiện ngộ độc lại giống với nhiều bệnh khác như ngộ độc tetrodotoxin (như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), viêm đa rễ dây thần kinh, nhược cơ,… nên rất dễ nhầm. Một số bệnh nhân ngộ độc loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp do đó không thể kể lại loại thức ăn nghi ngờ và biểu hiện bệnh đặc trưng ở trên.

Cách phát hiện và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum

Nếu có các thông tin sau bạn cần nghĩ tới ngộ độc loại này:

- Biểu hiện yếu, liệt các cơ, bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ sau đó lan xuống chân. Trường hợp nhẹ có thể chỉ mỏi, yếu các cơ giống như suy nhược. biểu hiện đối xứng hai bên và cảm giác vẫn bình thường.

- Sau ăn thực phẩm nghi ngờ: trong vụ ngộ độc hiện tại là ăn món pa tê chay (Pate Minh Chay) hoặc các loại thực phẩm nghi ngờ khác (thường loại đóng hộp, chai, lọ, gói, túi, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không đảm bảo).

- Nếu bạn có các thông tin trên thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.

Đối với những người ăn thực phẩm Pate Minh Chay:

- Ngộ độc xuất hiện thường xuất hiện sau ăn lần cuối 12 - 36 giờ, tối đa 1 tuần.

- Tất cả các trường hợp bữa ăn cuối cùng đã ăn quá 1 tuần mà không biểu hiện bất thường là bạn không bị ngộ độc.

- Nếu bữa ăn cuối cùng của bạn trong vòng 1 tuần trong khi bạn chưa có biểu hiện gì bất thường, bạn bình tĩnh theo dõi, khi có biểu hiện bất thường thì tới cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum

Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, do đó bạn cần:

- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua).

- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp,…) trong thời gian kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố Botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

- Với các thực phẩm đóng gói kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Độc tố Botulinum và tác động tới sức khỏe

Độc tố Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chin (do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chin). Sau khi ăn, độc tố Botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

Biểu hiện của ngộ độc: sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng, khó thở). Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong.

Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu oxy não). Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục